Được biết, dự án “Đường Hòa Duyệt, Rú Nón, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương, Hương Thọ” được triển khai từ năm 2012, bao gồm các hạng mục cầu, cống và đường bê tông, do công ty Cổ phần Xây dựng Thành Vinh thi công và UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, tổng số vốn gần 70 tỷ đồng.
Công trình đi qua xã Hương Thọ và thi công toàn bộ hạng mục trên, tổng chiều dài 6,2km với mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Phần cống được hoàn thành vào tháng cuối tháng 3/2015. Tính từ thời điểm hoàn thành đến nay chỉ vọn vẹn mới 7 tháng nhưng theo phản ánh của một số hộ dân xóm 7, xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang) cống đã bị nứt, gãy, sập.
Với số tiền “rót” vào công trình này không hề nhỏ nhưng theo ý kiến phản ánh của người dân như vậy đang làm dấy lên nghi ngại về chất lượng của công trình. Để rộng đường dư luận, PV doanh nghiệp Việt Nam đã đến tìm hiểu và lấy ý kiến của chủ đầu tư để người dân rõ thực hư.
Khi PV có mặt tại công trình cống nứt, sập, gãy thì rất đông người dân tỏ vẻ bức xúc: “Mới trận mưa đầu mùa vừa rồi (giữa tháng 9) cống đã bị sập, tách ra mỗi mảng mỗi nơi, nếu mưa lũ lớn thì không biết cống này sẽ ra sao. Từ xảy ra hiện tượng này vẫn chưa thấy nhà thầu khắc phục mà có khắc phục thì cũng chỉ qua loa cho có sau mỗi trận mưa thì lại trở lại như cũ”, một người dân bức xúc.
Theo quan sát của PV thì cống không chỉ bị nứt mà còn bị gãy và tách ra từng mảng, nhiều mảng rơi hẳn ra khỏi cống. Cách đó không xa, gần khu vực nhà dân thì một cống khác cũng bị nứt (nứt taluy). Qua quan sát cho thấy, chỗ bị nứt cũng đã được nhà đâu tư khắc phục nhưng là qua loa cho có bởi tại vết nứt vẫn hiện rõ vết nham nhở khi trám xi măng chồng lên vết nứt.
Để hiểu sâu hơn về chất lượng công trình, PV doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện chủ đầu tư công trình. Trả lời PV, ông Phan Văn Nam – Trưởng ban quản lí xây dựng huyện Vũ Quang rằng nguyên nhân khiến các vị trí cống thuộc công trình là do dư chấn của mua lũ.
“Sự cố theo người dân phản ánh nguyên nhân là do mưa lũ trước đó, với lại công trình chưa bàn giao phải sữa chữa. Phải khắc phục chứ công trình hàng chục tỉ bạc dân hấn chửi chết”, ông Nam nói.
Trong khi đó, lý giải về việc có nhiều vết trám nham nhở chồng lên các vết nứt của công trình, ông Dũng – Kỹ thuật ban, phụ trách công trình cho biết: “Do thiên tai nên đã gọi lên bảo hiểm xác nhận, làm lại mới, bảo hiểm khắc phục, nhà thầu trực tiếp thi công làm lại, bảo hiểm trả cho nhà thầu. Do đường bê tông mới làm hoàn thành hơn 18 ngày nên chưa cho máy móc vào làm được, xe vào hư hỏng đường”.
“Nếu đưa máy móc, xe vào hư hỏng đường thì cách khắc phục các vết nứt của cống gần khu vực dân sinh có lẽ là trám xi măng. Dư luận cho rằng vì cống nứt gần khu vực dân và hễ ai đi qua cũng sẽ rất dễ nhận thấy nên nhà thầu đã sữa chữa bằng cách trám xi măng lên các vết nứt. Còn cống bị sập, gãy nằm dưới vách núi nên dù bị gãy sập đã khá lâu nhưng vẫn chưa “vội” khắc phục”, vẫn lời ông Dũng.
Thiết nghĩ các ban ngành chức năng cần vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ nguyên nhân công trình hư hỏng nghiêm trọng và sớm khắc phục, sữa chữa công trình, rộng đường dư luận. Đặc biệt các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa trong những công trình giao thông nông thôn…. tránh để tình trạng xẩy ra làm thất thoát tiền của nhà nước, công sức mồ hôi của người dân.