Ông Nguyễn Cự Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Tĩnh cho biết, dịp Tết Nguyên đán, các đội QLTT đảm bảo 100% quân số, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường liên tục đến tận 30 tết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh. Từ ngày 22/1 – 21/2 (mùng 3 tết), lực lượng đã kiểm tra, xử lý 756 vụ vi phạm, phạt tiền trên 600 triệu đồng.
Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ Tết |
Ông Dũng cho biết thêm, đoàn kiểm tra, giám sát ATVSTP đã tiến hành kiểm tra 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông – lâm – thủy sản, lấy 86 mẫu thực phẩm các loại để kiểm tra và kiểm nghiệm nhanh các chỉ số về hóa chất, chất độc hại. Kết quả, các cơ sở cơ bản vẫn duy trì được điều kiện đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh; không phát hiện cơ sở nào vi phạm sử dụng chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép lưu hành. Các mẫu test cũng không phát hiện dư lượng (test nhanh thuốc trừ sâu nhóm cacbamat và lân hữu cơ đối với 28 mẫu rau, củ, quả; test nhanh hàn the đối với 50 mẫu giò chả).
“Năm nay, tiểu thương tại các chợ trung tâm đã chú ý thực hiện việc lấy hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa theo quy định. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường kiểm tra, kiểm soát ráo riết từ trong năm đến dịp tết, nên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng gần như không có “đất sống”. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và tăng cường vào dịp áp tết nên thị trường thực phẩm cơ bản ổn định, đảm bảo chất lượng…”, ông Nguyễn Đình Khoa – Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho hay.
Nhìn chung, hoạt động mua bán hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi diễn ra khá sôi động; giá cả ổn định, thuận lợi cho người tiêu dùng. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết như bia, rượu, bánh kẹo, mứt, nước giải khát… chủng loại, mẫu mã phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các loại hàng hóa nhu yếu phẩm như gạo, nếp, thịt lợn, thịt bò, gà, bia… cơ bản giữ giá ngang bằng hoặc thấp hơn tết năm ngoái. Điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình bán đúng mặt hàng, mức giá đã cam kết. Thị trường thời trang như quần áo, giày dép, túi xách… tết năm nay ế ẩm hơn các năm trước nên giá cũng “mềm” hơn. Hoa, cây cảnh phong phú hơn năm ngoái, giá rẻ hơn.
Ông Nguyễn Cự Dũng cho biết, đến thời điểm này, lực lượng QLTT chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về tình hình găm hàng, nâng giá, hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng trong dịp tết.
Tuy thị trường đã có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng tình trạng kinh doanh vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, đo lường chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn ra, nhất là ở vùng nông thôn. Mặc dù, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, tăng cường xử lý nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Trong chuyến công tác vào ngày áp tết, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã nghiêm khắc phê bình một số địa phương, đơn vị, BQL chợ để xảy ra tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu xử lý nghiêm 2 cán bộ trực tiếp liên quan đến công tác QLTT ở Trung tâm Thương mại Tây Sơn (Hương Sơn) và chợ thị xã Hồng Lĩnh.
Theo lãnh đạo Chi cục QLTT, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, từng bước kiểm soát tốt hơn về chất lượng, giá cả, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Chính Thu