Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho tỉnh Hà Tĩnh
Sau 5 năm “chung lưng đấu cật” thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cuối năm 2015 Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM, giai đoạn 2011 – 2015. Nhân dịp đầu xuân Bính Thân, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã dành cho NNVN cuộc trò chuyện cởi mở, chia sẻ về chặng đường đầu tiên gặt hái “quả ngọt” từ chương trình này.
NTM đi vào thực chất
Trong 5 năm qua Hà Tĩnh đã thu được gì từ Chương trình xây dựng NTM, thưa ông?
Năm 2010 Hà Tĩnh bắt tay thực hiện chương trình với số tiêu chí bình quân mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 52% số xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã “trắng” tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo lên đến 23,91%.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, với sự hỗ trợ của Trung ương, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đã tạo ra bước chuyển biến lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là đột phá trong phát triển sản xuất, tốc độ tăng trưởng nhanh; hình thành hơn 10 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; thu hút các DN lớn như Cty CP chăn nuôi Bình Hà, Cty Vinamilk, Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại đầu tư vào nông nghiệp làm “đầu kéo” thúc đẩy sản xuất.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, vừa tạo sự khang trang, từng bước hiện đại hóa nông thôn. Tất nhiên, hiện đại nhưng không thể “bê tông hóa” nông thôn. Để giữ hồn cốt làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, trong quá trình thực hiện ngoài 19 tiêu chí quy định của Trung ương, Hà Tĩnh ban hành thêm một số tiêu chí phụ như xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nhằm tạo ra những miền quê đáng sống và hiện đang nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
Trong giai đoạn 2011-2015 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 36.379 tỷ đồng (tăng 6,8 lần so với giai đoạn 2006-2010), riêng năm 2015 đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 5,82%. Tổng tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 13,7 tiêu chí/xã (tăng 10,2 tiêu chí/xã); có 52 xã đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 22,6%) và không còn xã dưới 8 tiêu chí.
Đối với nhận thức người dân, cơ bản khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; cán bộ không phải đi vận động từng người dân hiến đất mở đường như những ngày đầu triển khai chương trình mà nay trở thành ý thức tự giác và thi đua sôi nổi.
Là tỉnh khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực, Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh tiên phong với những cách làm hay, sáng tạo. Xin ông cho biết, Hà Tĩnh làm thế nào biến vướng mắc, khó khăn thành lợi thế?
Vì đặc thù là tỉnh nông nghiệp nên chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, xác định thực hiện Chương trình NTM là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, lâu dài.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến 2020 và tầm nhìn 2050, Hà Tĩnh đang chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và liên vùng; xác định các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực và phát triển, khai thác đúng lợi thế, dư địa tăng trưởng của từng vùng miền.
Ông Lê Đình Sơn
Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh luôn quan tâm cao hơn cho nhóm xã này. Riêng trong năm 2014, để khuyến khích các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình NTM, UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ các xã dưới 7 tiêu chí để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức độ phát triển giữa các địa phương, vùng miền, bảo đảm công bằng hơn trong việc thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, Hà Tĩnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ để thu hút các nguồn lực khác tham gia thực hiện chương trình như ban hành các cơ chế, chính sách, trao quyền chủ động cho người dân nhằm huy động tối đa nguồn lực theo khả năng của từng địa phương. Theo đó, trong 5 năm, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng; đặc biệt qua việc kêu gọi các tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM đã huy động được hơn 417 tỷ đồng.
“Ngày Nông thôn mới”
Hà Tĩnh là địa phương duy nhất thực hiện “chiến dịch” chỉ đạo, kiểm tra tiến độ xây dựng NTM ở cơ sở vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Ý tưởng này lấy từ đâu và sắp tới Hà Tĩnh có tiếp tục duy trì không, thưa ông?
Khi mới bắt tay triển khai chúng tôi xác định đây là chương trình mới và khó nhưng hầu hết nhận thức của cán bộ cơ sở chưa đầy đủ, lúng túng trong bước đi, cách làm, vào cuộc thiếu quyết liệt, sâu sát. Chính vì thế, BCĐ tỉnh đã lấy ngày thứ 7 hàng tuần “vi hành” để nắm bắt tình hình thực tế, đánh giá đúng thực chất kết quả lãnh đạo, chỉ đạo qua sản phẩm đầu ra; chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và định hướng các địa phương thực hiện.
Đoàn kiểm tra do Trưởng BCĐ NTM tỉnh dẫn đầu có sự tham gia của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan. Bây giờ việc đi cơ sở vào ngày thứ 7 đã trở thành thông lệ và được coi là “ngày Nông thôn mới” với sức lan tỏa mãnh liệt đến tận xã, thôn, xóm. Chắc chắn thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra cơ sở thường xuyên, sâu sát hơn.
Hà Tĩnh vinh dự là tỉnh đầu tiên có “ngày nông thôn mới”
Giai đoạn 2016 – 2020 Hà Tĩnh tiếp tục ưu tiên chính sách cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, xin ông cho biết cụ thể hơn các chính sách này?
Như tôi đã nói ở trên, Hà Tĩnh rất “ưu ái” cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020 chúng tôi tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ giống, vật tư, khoa học công nghệ, tích tụ ruộng đất… đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; các chính sách về thành lập và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và DN.
Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục giao các sở, ngành liên quan rà soát, bổ sung các chính sách mới và sửa đổi một số chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, như ban hành quy định tiêu chí, chính sách khuyến khích xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2020; sửa đổi Quyết định số 23 ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh…
Không chỉ ưu tiên về tài chính, tỉnh sẽ thực hiện tốt các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý, điều hành, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Xin cảm ơn ông!
Đã có thông tin phản ánh, một số xã vì nôn nóng về đích đã vay nợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Vậy, Hà Tĩnh đã có giải pháp chấn chỉnh vấn đề này thế nào?
Sau khi một số bài báo phản ánh tình trạng nợ đọng trong XDCB tại các xã xây dựng NTM ở nhiều địa phương trong toàn quốc, trong đó có Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã kiểm tra, rà soát cụ thể để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Đồng thời, ban hành văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Văn bản số 2003/TTg-KTN ngày 5/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về huy động vốn đóng góp của nhân dân để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, yêu cầu “không thực hiện xây dựng khi không có nguồn kinh phí đảm bảo, không để nợ trong XDCB”.
Tất nhiên, một số xã đã đạt chuẩn không thể tránh khỏi không nợ nhưng cơ bản đều nằm trong tầm kiểm soát và đã có kế hoạch thanh toán khi xây dựng khung kế hoạch thực hiện hoàn thành các tiêu chí. Vì vậy, việc nợ là có, nhưng không có nợ mất khả năng thanh toán.
Sắp tới việc huy động nguồn lực phải tùy thuộc vào khả năng cụ thể của từng địa phương để thực hiện, đối với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2016 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ giao cho các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng chi tiết khung kế hoạch thực hiện các tiêu chí, kế hoạch đầu tư XDCB, gồm: Số liệu nợ XDCB, kế hoạch thanh toán, danh mục các công trình thực hiện và kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư đảm bảo khả thi, không làm phát sinh nợ đọng.