Hương Khê

Hà Tĩnh: Cô giáo dũng cảm chết trong lũ vẫn chưa được công nhận liệt sỹ

Liên quan đến sự việc cô giáo Trần Thị Hoa (SN 1974) giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) dũng cảm đi cứu tài sản của trường rồi chết trong lũ. Đã 4 năm qua nhưng chính quyền không xem xét công nhận liệt sĩ mà còn viện dẫn lý do quy trình được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng không đảm bảo. Vấn đề này, lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng tỉnh khẳng định việc khen thưởng là đúng, không liên quan đến việc xác định chế độ liệt sĩ như cách trả lời của Phòng LĐTB – XH.

Người thân uất ức vì cái chết của cô giáo Hoa chưa được xem xét thấu đáo

“Đừng đổ lỗi”

Báo Lao Động số 274 ngày 22.11 đã phản ánh, liên quan đến cái chết của cô giáo Trần Thị Hoa khi đi cứu tài sản của Nhà trường bị lũ cuốn trôi, nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Ông Bùi Ngọc Du – Phó trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Hương Khê – cho biết, nguyên nhân là hồ sơ không đủ cơ sở. Trong đó có việc, dù Thủ tướng Chính phủ có truy tặng bằng khen dũng cảm nhưng việc truy tặng này không có hồ sơ trình lên từ huyện.
Về vấn đề này, chiều ngày 24.11, ông Đặng Thế Hùng – Phó Trưởng Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh – cho biết, ngày 3.10.2010, cô giáo Trần Thị Hoa, GV Trường Mầm non xã Hương Thủy bị chết vì lũ cuốn khi đi cứu tài sản của Nhà trường. Từ thông tin báo chí, kiểm chứng có thực tế sự việc nên ngày 25.10.2010, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đã có tờ trình số 269 đề nghị Chính phủ khen thưởng. Đến ngày 9.11.2010, Chính phủ có quyết định số 2020 truy tặng Bằng khen cho cô Hoa vì đã có hành động dũng cảm.
“Việc thi đua khen thưởng cho cô giáo Hoa là đúng, không có vấn đề gì. Khi đó Ban Thi đua khen thưởng phải làm nhanh cho kịp thời, thủ tục đơn giản. Không bắt buộc phải có quy trình từ huyện. Đừng đổ lỗi gì liên quan đến thi đua khen thưởng”, – ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, hồ sơ thi đua khen thưởng không liên quan đến việc công nhận liệt sỹ. Bởi, tại sao có những trường hợp không được khen thưởng nhưng vẫn được công nhận liệt sỹ.
“Nếu xét thấy đủ điều kiện thì chính quyền phải khẩn trương làm chế độ cho người ta. Để họ không bị thiệt thòi. Điều đó nó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến người có công. Tại sao có những trường hợp chết từ thời chiến tranh, nay vẫn đang làm hồ sơ công nhận liệt sỹ thì như trường hợp của cô giáo Hoa mới 4 năm thì phải bổ sung thủ tục cần thiết mà xem xét cho họ chứ. Còn không làm được thì cũng phải có văn bản trả lời cho rõ ràng”, – ông Hùng cho biết.
Ông Hùng cũng cho rằng, nếu như huyện Hương Khê căn cứ cô Hoa đi cứu tài sản mà chưa đi đến Trường, chưa thực hiện được hành động dũng cảm cứu tài sản thì cần xem xét lại. Bởi, “ví dụ khi chiến sỹ ta giáp lá cà đánh địch, dù chưa bắn được địch nhưng chẳng may bị địch bắn thì cũng đã là dũng cảm chiến đấu rồi”.
Chồng bên bàn thờ và bằng khen Thủ tướng truy tặng vợ
Bằng khen Thủ tướng truy tặng
Biên bản Công an xã lập về cái chết của cô Hoa
Biên bản Công an xã…
Đòi hỏi không thực tế
Liên quan đến xem xét công nhận liệt sỹ cho cô Hoa, ngày 30.12.2013, Sở LĐTB- XH đã có văn bản số 199, hướng dẫn UBND huyện Hương Khê căn cứ vào tiết e điểm 1 Điều 17 Nghị định 31/2013 ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định điều kiện xác nhận liệt sỹ. Căn cứ khoản 5 điều Điều 4 Thông tư số 05/2013 của Bộ LĐTB – XH ngày 15.5.2013 “Trường hợp hy sinh quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 17 của Nghị định phải có biên bản xảy ra sự việc do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh hoặc UBND xã nơi xảy ra sự việc xác lập”.
Từ hướng dẫn này, ông Bùi Ngọc Du – Phó trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Hương Khê – cho rằng: Hồ sơ của cô Hoa thiếu căn cứ vì không có biên bản sự việc bởi thời điểm đó không ai lập. Còn bây giờ thì không ai dám lập nữa. Nếu có lập thì cũng phải trình lên cấp trên xem xét.
Thực tế, khi phát hiện được thi thể cô giáo Hoa, lúc 14h ngày 5.10.2010 Công an xã Hương Thủy đã lập biên bản làm việc về cái chết này. Biên bản này có chữ ký của gia đình, của Công an xã, UBND xã, Đảng ủy xã. Vậy tại sao không căn cứ vào biên bản này để công nhận liệt sỹ ? Còn đòi hỏi phải có biên bản sự việc ngay khi cô Hoa bị nước cuốn như ông Du thông tin thì thử hỏi lúc đó giữa mênh mông nước lũ, khi mọi người đang lo tìm nơi trú ẩn, bảo vệ tính mạng, bảo vệ tài sản thì có ai đến lập biên bản cho. Mà nếu không lập thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương chứ sao lại để người chết phải chịu thiệt chỉ vì thiếu thủ tục này?
Theo anh nguyễn VănTrung, sau khi vợ anh mất, gia đình có đơn xin công nhận liệt sỹ. 4 năm trôi qua, nhưng chính quyền vẫn chưa có một văn bản trả lời để gia đình biết vì sao chưa được công nhận. Mặc dù đã rất nhiều lần gia đình gõ cửa cơ quan chức năng.

Clip người thân uất nghẹt vì cái chết của cô Hoa chưa được xem xét thấu đáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP