Người đương thời

Hà Tĩnh: Chuyện mới biết về những người nông dân anh hùng

Bà lão bỏm bẻm nhai trầu, cụ ông run rảy từng nhịp bước… không còn ai có thể nhận ra đó là những anh hùng diệt máy bay Mỹ. Ấy thế nhưng, nhìn ánh mắt rạng ngời của họ, ta sẽ tin.

Tôi đã gặp nhiều thành viên trong trung đội dân quân của TP. Hà Tĩnh năm xưa, đó là ông Trương Văn Thịnh, ông Trần Viết Thắng, bà Trương Thị Thống… để nghe thêm về những sự tích oai hùng của trung đội. Trong những đôi mắt đó có ngọn lửa của niềm tin quyết thắng, có vết dấu của lòng căm hờn, và trên tất cả sóng sánh tình người, tình đời của một thủa thanh niên hào sảng.

Cụ Trương Văn Thịnh năm nay 75 tuổi, là bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, sau khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, cụ đã được “tái nhiệm” làm trung đội trưởng đầu tiên của trung đội 12ly7 của thị xã. Cụ Thịnh làm trung đội trưởng 2 năm, sau đó lại tái ngũ để vào chiến trường miền Nam chiến đấu đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Một đời chinh chiến đó giờ chỉ còn lẩn khuất nơi ánh mắt nhớ thương, nụ cười chiến thắng và cả những vết thương mang trên mình. Cụ Thịnh nhớ lại: “Đầu năm 1965, xác định địch sẽ leo thang đánh phá và thị xã Hà Tĩnh sẽ là trọng điểm, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo chúng tôi thành lập trung đội dân quân để phối hợp với các lực lượng chống máy bay tầm thấp”. Trung đội lúc đó có 4 khẩu trung liên, loại cũ, đến giờ chẳng ai nhớ được đó là loại súng gì (nhưng qua mô tả, tôi hiểu đó là loại đại liên của quân đội Pháp, sử dụng từ thời đại chiến thế giới lần 2), thế nhưng trong trận đầu ngày 26-3-1965, trung đội đã phối hợp với các lực lượng phòng không toàn tỉnh bắn hạ 12 máy bay Mỹ. Sự kiện này đã trở thành ngày truyền thống của quân dân thị xã Hà Tĩnh ra quân đánh thắng trận đầu.

Vào những ngày đầu thành lập, trung đội có 35 người, gồm 20 nữ, 15 nam, chia thành 4 khẩu đội. Các đội viên trong trung đội ăn ở tập trung và được phát quân phục, huy hiệu, được nhận lương từ 32 đến 35 đồng. Trong 2 năm đầu, trung đội đã xây dựng được một hệ thống phòng ngự quanh thị xã với 200 hầm trú ẩn, 3.800 mét giao thông hào với các trận địa chốt tại Thạch Phú, Hồ Dâu, bệnh viện tỉnh, chợ trung tâm tỉnh… Trong năm 1967, trung đội đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc máy bay phản lực, năm 1968 và 1972, mỗi năm bắn rơi một chiếc. Tổng cộng trung đội dân quân này đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

Trận địa dưới chân núi Nài

Đến cuối năm 1967, hầu hết đội viên nam giới của trung đội đều xung phong nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Cụ Trương Văn Thịnh cũng ra đi trong đợt này. Chức vụ trung đội trưởng được trao cho bà Trương Thị Thống (hiện bà Thống đã 65 tuổi), trung đội chỉ còn 5 nam giới, đều là thanh niên trẻ đang học năm cuối trung học. 5 Nam thanh niên được biên chế trong tổ trinh sát và rà phá bom. Còn nhiệm vụ bắn máy bay do 30 nữ đội viên phụ trách. Các chị cũng có tuổi đời rất trẻ từ 17 đến 20.

Chúng tôi tìm gặp bà Trương Thị Thống để nghe kể về trận thương vong nặng của trung đội. Bà nói: “Đó là trận đánh vào sáng ngày 21-7-1972. Chị em tôi lúc đó đang tập trung tại trận địa Cồn Bùi. Khoảng 5 giờ sáng, vừa báo thức, chúng tôi người thì vệ sinh cá nhân, người còn đang chuẩn bị cơm nước, người đang thể dục… nhưng nghe tiếng máy bay lập tức chạy ùa ra trận địa. Một thời gian dài, thời điểm trước đó ít máy bay đâm ra chị em nhớ, và rất háo hức chiến đấu, thế nên vừa thoáng thấy một tốp 2 chiếc lao vào chị em sẵn sàng nổ súng ngay. Tinh thần chiến đấu lên rất cao”. Bà Thống cho rằng trận này có một sai sót do cái tính “háo thắng của chị em nhà mình”… Tôi nghe bà Thống nói rưng rưng với người đã khuất: “Cơm gạo mới đó các em, về ăn đi cho chị em đỡ tủi”…

Trung đội súng máy phòng không 12ly7 của thị xã Hà Tĩnh năm xưa đã được đề nghị phong anh hùng. Tuy nhiên có mấy điểm khó, thứ nhất là về thời điểm thành lập, thời điểm giải thể, rồi người đứng ra làm đơn… Trong một thời gian dài từ năm 1972 đến năm 1991, các thành viên của trung đội này lần lượt trở về đời thường làm vợ, làm mẹ, nhiều người đi chiến đấu trở về vật lộn với cuộc mưu sinh. Đến sau này khi đã lên lão cả, cuộc sống được chút cải thiện, các cụ, các bác mới lập ra ban liên lạc. Ban liên lạc do cụ Trương Văn Thịnh làm trưởng ban, còn trung đội lấy ngày 26-3-1965, ngày phối hợp chiến đấu trận đầu và cũng là ngày quân dân Hà Tĩnh đánh thắng trận đầu làm ngày thành lập. Rồi ngày giải thể đơn vị, trong nhiều tài liệu, văn bản cũng không được ghi rõ, các nhân chứng của trung đội cũng chỉ nhớ mang máng là cuối năm 1972, sau khi hòa bình tạm lập lại. Giấy tờ của trung đội hiện còn lại giá trị nhất là một bảng nhận lương viết bằng tay, có chữ ký của các đội viên từ năm 1969, một Huân chương chiến công hạng Ba năm 1967, một Huân chương chiến công hạng Nhì năm 1969… Nhìn vào những giấy tờ này, tôi chỉ biết chia sẻ những cảm thông cho những thành viên của trung đội.

Danh sách trung đội

Chia tay các cụ, các bác trong trung đội năm xưa, tôi tìm gặp Thượng tá Lê Thanh Phác – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự (BCHQS) Thành phố Hà Tĩnh. Ông Phát nhanh chóng làm dịu những “bức xúc” có phần hơi nóng vội của tôi khi biết chuyện về trung đội. Ông Phác cho biết: “Việc đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho trung đội súng máy 12ly7 được các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho BCHQS TP lập hồ sơ đề nghị. Hiện mọi giấy tờ liên quan đến việc này đã được hoàn tất và đã gửi cho Ban thi đua khen thưởng của các cơ quan chức năng Quân khu 4. Rất mong các cơ quan báo chí tuyên truyền về thành tích của trung đội để hỗ trợ với BCHQS TP đề nghị các cơ quan cấp trên xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho trung đội”.

Mới đó mà một năm đã trôi qua, hôm vừa rồi, ông Nghĩa – Phó Chỉ huy trưởng BCHQS TP. Hà Tĩnh gọi điện khoe với tôi: “Trung đội súng máy phòng không của dân quân Hà Tĩnh đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào cuối tháng tư vừa rồi. Mong chú có dịp vào chia vui với đơn vị”. Nghe xong, tôi phấn khởi lắm. Song chờ mãi, vẫn chưa thấy BCHQS TP ấn định được ngày làm lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Mấy lần tôi gọi điện hỏi thăm, cuối cùng mới biết rằng quyết định phong danh hiệu anh hùng thì đã cầm nhưng lễ tôn vinh vẫn chưa được tổ chức vì đơn vị chưa trả lời xong cái câu hỏi “đầu tiên” nghĩa là “tiền đâu”…

Nghe chuyện này, nhiều người bình luận rằng chắc đó là do sơ suất ở “khâu” nào đó, chứ làm gì có chuyện danh hiệu lớn không kèm theo tiền thưởng. Thôi thì chưa biết sơ suất ở “khâu” nào, ta cứ mong rằng các đơn vị, tổ chức và cá nhân sớm giúp đỡ các cụ để tổ chức lễ vinh danh.

Lê Đông Hà

Đại Đoàn Kết

  Từ khóa: Anh Hùng , nông dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP