Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh chuyển mình

Với những cải cách không ngừng, Hà Tĩnh có bước tiến ngoạn mục khi thoát ra khỏi bóng là một trong những tỉnh nghèo nhất để đứng thứ 6 trong cả nước về thu hút đầu tư.


Với vốn đầu tư của các DN tới hơn 25 tỷ USD, Vũng Áng đang là một đại công trường.

Những con số ấn tượng

Con số thống kê mới đây nhất của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, kinh tế tỉnh này tăng trưởng rất nhanh, bình quân giai đoạn 2011 – 2014 đạt 15,6%, riêng năm 2014 đạt 25,89%. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011 – 2014 đạt trên 195,5 nghìn tỷ đồng; năm 2014 đạt 86 nghìn tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2013. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dịch chuyển nhanh, vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm hơn 11%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 77%, vốn dân cư và các nguồn vốn khác chiếm 12%. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 – 2014 đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2014 đã đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, bằng 212% số thu năm 2013, bằng 234% kế hoạch Trung ương giao và 162% bằng kế hoạch HĐND tỉnh đặt ra. Năm 2015 dự kiến kế hoạch thu đạt 15 nghìn tỷ đồng.

Hà Tĩnh cũng là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và số lượng thành lập DN mới. Năm 2014 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 50 dự án, trong đó có 47 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 5.572 tỷ đồng và 3 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 26 triệu USD; cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới cho 500 DN với số vốn đăng ký 3.058 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục thành lập mới 292 DN, nâng tổng số DN hoạt động trong địa bàn tỉnh lên gần 5.000. Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh thu hút vốn FDI cao nhất cả nước, hiện đã có trên 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương này, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Đại công trường Vũng Áng

Đáng chú ý, trong tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, riêng Khu kinh tế Vũng Áng đã chiếm gần 70%. Hiện nay ở Vũng Áng đã có tới 26 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia xây dựng và có gần 400 DN được cấp đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư với vốn đầu tư khoảng 25 tỷ USD.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết, Khu kinh tế Vũng Áng là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng và từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực, tầm cỡ quốc gia. Hiện nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng đã hình thành một trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với sản phẩm công nghiệp chủ lực là thép (22,5 triệu tấn), nhiệt điện (7.000MW) và dịch vụ cảng nước sâu với 59 cầu cảng cho tàu từ 5 – 30 vạn tấn cập bến, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh ngành thép của Việt Nam.

Hiện tại Vũng Áng, những dự án lớn đã được tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 10 tỷ USD; Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng với lưu lượng 760 nghìn m3/ngđ với tổng mức đầu tư 4.415 tỷ đồng, là dự án đầu tư theo hình thức PPP lớn nhất Việt Nam, đầu tiên và hiệu quả; Trung tâm điện lực Vũng Áng theo quy hoạch có công suất 7.000MW gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200MW, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW vốn đầu tư 2,4 tỷ USD do Tập đoàn Mitsubisi Nhật Bản làm cổ đông chính đang hoàn thiện thủ tục để khởi công, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III do Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đầu tư hiện đang hoàn thiện hồ sơ để triển khai dự án, và cụm 10 tổ máy nhiệt điện của Tập đoàn Formosa với công suất 2.200MW; các dự án công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, thương mại, du lịch có tổng mức đầu tư từ 50 – 70 triệu USD đang đẩy nhanh tiến độ, một số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Tổng kho xăng dầu, dầu khí quy mô 110 nghìn m3 xăng dầu và 1.700m3 khí hóa lỏng; các khách sạn lớn để phục vụ nhu cầu chuyên gia và công nhân…

Hiện ở Khu kinh tế Vũng Áng như một đại công trường xây dựng với khoảng 6 vạn chuyên gia, kỹ sư, công nhân để xây dựng các nhà máy. Một điểm đáng lưu ý là lãnh đạo Hà Tĩnh khi làm việc với các nhà đầu tư đã yêu cầu họ khi xây dựng nhà xưởng phải sử dụng nguồn vật liệu trong nước, chỉ nhập khẩu những thứ trong nước chưa sản xuất được. Vì vậy hiện tại Hà Tĩnh đang là thị trường tiêu thụ lớn xi măng, sắt thép… Hà Tĩnh đang thiếu các dịch vụ xã hội nên đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu.

Hải Anh/ Xây  Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP