Nguồn: Tri thức trực tuyến
Theo Zing.vn, 3 trong số 4 xe buýt dùng để đưa đón học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã rất cũ.
Việc hợp đồng thuê xe là do phụ huynh học sinh và tài xế thỏa thuận. Tùy khoảng cách đưa đón, mỗi học sinh phải đóng 250.000-350.000 đồng/tháng cho tài xế.
Người dân cho biết việc xe chở quá số người quy định diễn ra nhiều năm nay. Thực tế có xe chỉ được chở 60 người nhưng nhồi nhét đến 120 học sinh.
Tuy nhiên, đội CSGT, Công an huyện Kỳ Anh cho biết chưa phát hiện xe đưa đón học sinh chở quá số người quy định.
Trong khoảng thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan tới xe đưa đón học sinh đã gây ra không ít hoang mang và bức xúc trong dư luận.
Trước đó, ngày 6/8, một học sinh trường Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã yêu cầu các trường tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón.
Tuy nhiên mới đây, liên tiếp hai vụ xe đưa đón làm rơi học sinh đã xảy ra tại tỉnh Đồng Nai.
Một xe đưa đón học sinh tại trường Tiểu học Trảng Dài, TP Biên Hòa,Đồng Nai. Ảnh: Vietnamnet |
Theo VOV Giao thông, vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 26/11, tại TP.Biên Hoà. Xe khách mang BKS: 51B-079.23 do tài xế Trần Thúc Định điều khiển chở các học sinh trường tiểu học Phan Bội Châu đã làm rớt 3 em học sinh của lớp 1/6 xuống đường.
Qua kiểm tra, Công an TP.Biên Hoà đã lập biên bản xử phạt đối với tài xế Định các lỗi điều khiển ô tô vận chuyển khách tháo bớt ghế, xe không có đủ thiết bị chữa cháy, vận chuyển hành khách hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định. Tổng số tiền phạt là 2,75 triệu đồng.
Sau đó, tới chiều 29/11, tài xế Cao Tuấn Việt điều khiển xe ô tô khách mang BKS: 60V-8429 đến trường tiểu học Diên Hồng để đón 15 em nhỏ về nhà. Trong quá trình di chuyển tài xế Việt quên cài cửa sau nên đã khiến 2 học sinh tiểu học rơi ra ngoài.
Tại cơ quan Công an, tài xế Việt thừa nhận bản thân chỉ có bằng lái xe hạng B2. Trước đó, vào tháng 10/2018, Việt thuê lái xe để đưa đón học sinh nhưng sau đó tài xế này đã nghỉ việc. Việt không thuê được lái xe khác nên đã tự điều khiển xe đưa đón học sinh.
Đến giữa tháng 10/2019, qua môi giới của đối tượng chưa rõ danh tính, Việt đã mua giấy phép lái xe hạng E với giá 3,5 triệu đồng.
Báo Tuổi trẻ cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thanh tra giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính 319 trường hợp xe đưa đón học sinh vi phạm, phạt tiền 320 triệu đồng, tước giấy phép 18 trường hợp, tịch thu một phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: dừng, đỗ xe sai quy định, chở quá số người quy định, không có phù hiệu.
Theo báo An toàn Giao thông, Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: "Các cháu nhỏ cần sự quan tâm của ngành giáo dục, trường phải vào cuộc, dừng đỗ thì địa phương. Ngành giao thông quan tâm đến người lái phương tiện, điều kiện, luồng tuyến.
Thực tế, trong vài năm gần đây loại hình xe đưa đón học sinh đang nở rộ, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt hơn nữa loại xe này. Không thể đánh đồng xe đưa đón học sinh cũng giống như loại hình kinh doanh vận tải hành khách thông thường khác".
Tác giả: Mộc Miên (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp Luật