Hà Tĩnh Bình Yên

Hà Tĩnh: “Chìa khóa” đẩy lùi tai nạn giao thông

Hà Tĩnh xem công tác đảm bảo ATGT là trọng tâm và đưa vào tiêu chí bình xét xếp loại thi đua hàng năm.

Chủ-tịch-tỉnh-Hà-Tĩnh-Võ-Kim-Cự-trực-tiếp-xuống-vị

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (thứ hai từ trái) trực tiếp xuống vị trí đặt trạm cân trên địa bàn tỉnh để kiểm tra hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tháng 1/2015 – Ảnh: Văn Thanh

Hiệu quả rõ rệt nhất sau ba năm thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là tạo bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí

Kết quả đáng khích lệ này được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Quyền khẳng định khi nói về hiệu quả triển khai Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

Cụ thể, theo ông Quyền, nếu như năm 2013, cả nước xảy ra hơn 11 nghìn vụ TNGT, làm chết hơn 9.100 người, bị thương hơn 6.800 người, đến năm 2014, con số này giảm xuống còn hơn 10.300 vụ. Số người chết do TNGT lần đầu tiên giảm dưới mức 9 nghìn người.

Riêng 6 tháng đầu năm 2015, TNGT đường bộ tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt. Cả nước xảy ra gần 5 nghìn vụ, làm chết 4.337 người, bị thương 2.949 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 221 vụ (-4,24%), giảm 239 người chết (-5,22%), giảm 175 người bị thương (-5,6%).

Triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Đảng ủy Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo cấp ủy trực thuộc có nghị quyết lãnh đạo cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế và chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, gắn trách nhiệm của cá nhân cấp ủy và người đứng đầu với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. “Đảng ủy Cục cũng quán triệt cho cán bộ, đảng viên phải xác định công tác này vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực, từ công tác đầu tư phát triển, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến công tác quản lý phương tiện, vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Quyền nói.

Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh – địa phương có nhiều sáng kiến trong công tác đảm bảo ATGT những năm qua cũng cho biết: “Hà Tĩnh xem công tác đảm bảo ATGT là trọng tâm, thường xuyên và đưa vào tiêu chí bình xét xếp loại thi đua hàng năm. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp vào cuộc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT. Nhờ vậy, 3 năm qua, toàn tỉnh chỉ xảy ra 544 vụ TNGT, làm chết 396 người, bị thương 462 người. So với thời gian trước khi chưa thực hiện Chỉ thị 18 giảm 141 vụ (20,6%), giảm 200 người chết (giảm 33,5%), giảm 180 người bị thương (28%).

Tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu

Khẳng định sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 18, ATGT đường bộ đã đạt kết quả khả quan, giảm cả 3 tiêu chí về TNGT song ông Quyền cũng thẳng thắn nhìn nhận “kết quả trên chưa thật vững chắc”. “Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ; Giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và chấn chỉnh thường xuyên cán bộ khi tham gia giao thông. Cần có những biện pháp, hình thức phù hợp, sáng tạo, hiệu quả”, ông Quyền nói.

Về vấn đề này, ông Kỳ cho rằng cần tập trung kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây TNGT. Kiểm soát chặt chẽ ngay từ bến bãi các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về trật tự ATGT, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tiến tới kiềm chế và đẩy lùi TNGT một cách bền vững trên cả 3 tiêu chí.

Liên quan đến kế hoạch triển khai trong thời gian tới, ông Quyền cho biết, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT đường bộ, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân chấp hành. Nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa ngành GTVT, Công an với chính quyền địa phương. Gắn trách nhiệm cá nhân của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông.

Cùng đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, các cơ quan chức năng và địa phương tập trung nâng cao công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tự giác chấp hành và hợp tác với các lực lượng chức năng thi hành công vụ trong việc bảo đảm trật tự, ATGT; Nêu gương người tốt, việc tốt, phê bình các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.

“Tổng cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định, quy trình công tác của cán bộ, công chức, viên chức khi làm nhiệm vụ; Có biện pháp phòng ngừa, chống các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong quản lý phương tiện, vận tải và cả trong thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm”, ông Quyền khẳng định.

Hải Nam / Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP