>> Hương Khê: Mất tiền, mất mạng vì kinh doanh hàng đa cấp.
>> Nghệ An – Hà Tĩnh: Dân xôn xao về cách làm giàu nhanh chóng
Trước tình trạng hoạt động kinh doanh đa cấp có diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa có chỉ đạo chấn chỉnh đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo thống kê, tại Hà Tĩnh hiện có 32 doanh nghiệp (tổ chức) liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, đa số các tổ chức không có điểm kinh doanh cố định (chỉ có 4/32 đơn vị có điểm kinh doanh cố định). Hàng hóa kinh doanh theo phương thức này chủ yếu là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, một số có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Việc tiếp cận người tiêu dùng cũng được thực hiện từ nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là người thân, bạn bè và sau đó lan tỏa đến các mối quan hệ khác…
Một số doanh nghiệp, người thân tham gia bán hàng đa cấp lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lòng tin, mối quan hệ thân quen để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng hoặc lôi kéo người tham gia mạng lưới, huy động vốn trái với quy định pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan tăng cường sự phối hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tổ chức, người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp; nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa… Thông báo, tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng qua các kênh khác nhau về các hình thức lừa đảo người tiêu dùng; Nắm bắt kịp thời các trường hợp có xảy ra lừa đảo, huy động vốn trái phép, đồng thời kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Trần Lộc / Giao Thông