Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh : Cảng Quốc tế Lào - Việt có làm sai trong việc kiểm soát tải trọng?

Nghị định 142/CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2018. Trong đó chỉ rõ chức năng, quyền hạn việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tải trọng, phương tiện chở quá khổ, quá tải tại cơ quan quản lý cảng biển, nhưng cảng Quốc tế Lào Việt Vũng Áng (Hà Tĩnh) chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan và kiểm tra hóa đơn giao nhận hàng của doanh nghiệp cung cấp. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về vấn đề có hay không Cảng QT Lào – Việt có “dung túng” cho xe quá tải “lộng hành”?

Nhận được phản ánh, nhóm PV sau một thời gian dài ghi nhận và chứng kiến tại khu vực cảng Quốc tế Lào - Việt (có địa chỉ tại xã Kỳ Lợi - Tx Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ghi nhận tại đây, những đoàn xe tải đầu kéo ben chở đá dăm, nối đuôi nhau tấp nập vào ra khu vực Cảng, những đoàn xe này có dấu hiệu cơi nới thùng chở quá tải nhưng không thấy “bóng dáng” lực lượng cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý.

Các xe sau khi đổ hàng xong chỉ cần nộp phiếu cân khối lượng ở mỏ rồi tiếp tục "hành trình"

Sáng ngày 4/1, PV tiếp tục nhận được phản ánh của người dân địa phương, phản ánh về việc xe chở đá dăm từ các mỏ đá về cảng Lào Việt, khi đi qua khu vực đông dân cư lái xe thường xuyên chạy với tốc độ cao, đá dăm rơi vãi, tiềm ẩn tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, người dân địa phương đã chứng kiến nhiều phen hú vía.

Tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT trên tuyến đường từ Cảng Lào - Việt lên các tuyến đường lân cận theo phản ánh của người dân là rất cao..

Chứng kiến việc rất nhiều phương tiện chở đá có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải nhưng khi vào cảng Lào Việt, không bị kiểm tra, kiểm soát tải trọng.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Dương Thế Cường - Giám đốc Công ty Cảng Vũng Áng Lào – Việt về vấn đề trên, ông Cường cho biết: “Tình hình hiện tại các mỏ đá đều chết, mà chết là thiệt hại nhất là ông Ngân hàng nên bây giờ xuất khẩu giá thành rất là thấp, mà tỉnh Quảng Bình thì đang canh cạnh tranh rất kinh khủng. Nên trong bối cảnh này thì bọn anh cân mẫu xe thôi, mà cân lên cân xuống thì giá thành chịu không nổi. Nên cũng tạo điều kiện cho bên xuất đá, họ không xuất đây thì họ xuất Quảng Bình thôi…”.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc công ty Quốc tế Lào - Việt cho biết: "Anh em họ có chủ quan một tý, tôi sẽ kiểm tra chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tuân thủ tuyệt đối quy định kiểm soát tải trọng khi xe vào Cảng".

Sau khi Pv phản ánh, trạm cân của Cảng bắt đầu hoạt động trở lại. Các đoàn xe từ từ đi qua cân trọng tải theo đúng quy định. Thế nhưng sự việc này chỉ diễn ra tầm 30 phút rồi dừng hẳn, thanh rào chắn được bảo vệ kéo ngang khu vực cân trọng tải. Các đoàn xe lại lần lượt nối đuôi nhau đi vào luồng không cân để đổ hàng.

Khi Pv trao đổi với cán bộ kiểm tra cân trọng tải hỏi vì sao “bỗng dưng” dừng cân trọng tải thì cán bộ này trả lời là sếp nói dừng cân.

Ngay lúc này, Pv tiếp tục thông báo với lãnh đạo công ty CP Quốc tế Lào Việt về việc cán bộ kiểm soát tải trọng tại cảng chỉ cân đối phó khi có phản ánh.

Sau khi báo chí phản ánh, bên phía lãnh đạo Cảng Lào - Việt dã chỉ đạo cho cân trọng tải các xe ra vào Cảng. Tuy nhiên điều này chỉ diễn ra không bao lâu...

Ông Dương Thế Cường tiếp tục cho biết: "Không cân nhưng vẫn kiểm soát được tải trọng, nếu cân thì giá thành đội lên người xuất khẩu không làm được, Cảng mình cân nhưng đi cảng khác không cân, nên tạo điều kiện cho nhà xuất khẩu, anh không cân nhưng vẫn kiểm soát được tải trọng".

Làm việc trực tiếp tại Cảng với ông Hoàng Đình Long - Tổ tưởng tổ Kho hàng, Cảng Quốc tế Lào - Việt, giải thích rằng: Doanh nghiệp làm trên địa bàn, mặt hàng giá rẻ, trên mỏ họ đã cân rồi, có phiếu cân, xuống đây chúng tôi lấy phiếu chứ không phải cân nữa. Vì Hợp đồng thỏa thuận với khách hàng không phải cân.

Phiếu cân trọng tải của mỏ đá mà ông Long "chống chế" đưa cho Pv xem là đã có kiểm tra đầy đủ về trọng tải. Tuy nhiên, lỗi "đánh máy" ở đây dường như khó hiểu???

Khi Pv hỏi ví dụ trên mỏ đá họ đã cân đủ trọng tải nhưng dọc đường vận chuyển, nếu họ tăng trọng tải tại điểm tập kết nào đó, họ vẫn cầm phiếu cân trên mỏ đá đưa cho phía Cảng thì sao? Thì ông Long trả lời lời là chúng tôi không kiểm soát được vấn đề này nhưng nếu xe quá tải thì nhìn vào là biết được và sẽ cho cân ngay….

Ngay sau đó, ông Long đã chứng minh với chúng tôi bằng tập giấy cân trong tải trên mỏ đá cho chúng tôi xem, tuy nhiên tập giấy này như là “chống chế” vì tờ giấy rất mới, chữ ký mới và không có đóng dấu pháp lý nào mà bất kể ai cũng in ra được. Điều đặc biệt, trên phiếu kiểm tra trọng tải này lại “ vô tình sơ suất” khi 1 tập phiếu ngày 3/1/2019 ghi xe chở có trọng tải hàng là 43,468kg nhưng bảng thống kê lại là 29840kg.

Ngay lúc này, ông Long phân trần do lỗi đánh máy… Tiếp tục chúng tôi yêu cầu muốn xem phiếu cân của ngày 2/1/2019 thì ông Long nói là: "Họ chưa nộp, có gì sẽ gửi các anh sau", Như vậy, khâu kiểm soát trọng tải của Cảng QT Lào - Việt bằng "mắt thường" và bằng phiếu cân của mỏ đá liệu có khả quan và "chuẩn" hay không?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: Mục tiêu kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm bảo vệ hạ tầng giao thông, ATGT, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh.

Đối với các cảng biển, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các DN thực hiện nghiêm việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Việc làm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi tổng lượng hàng hoá vận chuyển cả nước lên đến 817 triệu tấn mỗi năm, trong đó khối lượng vận chuyển qua đường hàng hải lên đến 370 triệu tấn, gồm cả hàng xuất và nhập. Trước khi thông qua cảng biển, hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường bộ. Vì thế nếu kiểm soát tốt tải trọng tại cảng biển là đã có thể kiểm soát gần một nửa số hàng hoá vận chuyển trên toàn quốc.

Chúng tôi đã ký cam kết với các DN để kiểm soát hàng hoá trước khi đến và đi khỏi cảng biển để xếp lên tàu.

Đánh giá chung, thời gian qua các DN lớn thực hiện khá nghiêm túc nhưng còn một số DN tư nhân, doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối thực hiện chưa tốt.

Vì thế, Bộ GTVT thời gian qua đã kiểm tra, xử lý một loạt DN vi phạm sau khi một số báo chí nêu. Tôi khẳng định không chỉ các đơn vị này, bất kỳ cảng nào không thực hiện tốt kiểm soát xe quá tải đều sẽ bị xử lý nghiêm để thực hiện. Cơ bản không còn xe chở quá tải trọng, theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Thiết nghĩ, với việc giải thích vô lý, không có cơ sở, cảng Quốc tế Lào - Việt có đang “tiếp tay” cho nhiều phương tiện chở quá tải, không thực hiện chỉ thị 32/CT- TTg ngày25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, phối hợp hạn chế phương tiện chở quá khổ, quá tải.

Theo PV tìm hiểu được biết, khi hàng xuất qua cảng nếu có kiểm soát tải trọng theo quy định thì cảng Lào Việt thu phí cân là 2000/tấn, như vậy 1 tàu hàng như tàu đá dăm chủ hàng cũng giảm được hơn 100 triệu đồng tiền chi phí. Vậy là doanh nghiệp và cảng "bắt tay ngầm" để không phải trả phí, chủ hàng vô tư chở quá khổ, quá tải mà không phải vấp một ràng buộc nào?

Đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra xử lý và làm rõ tránh bức xúc cho các cơ quan , đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện đúng và tuân thủ theo pháp luật hiện hành.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: dailo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP