Muôn nẻo taxi
Tại các tụ điểm: Ngã ba Gia Lách, thị trấn Nghèn và ngã ba Thạch Long Quốc lộ 1A đoạn từ thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân) về TP. Hà Tĩnh nhộn nhịp xe taxi (chủ yếu loại 4 chỗ ngồi). Thoạt nhìn thì không ai có thể phân biệt được đâu là taxi dù, đâu là taxi chính hãng. Vì xe nào cũng được lắp đặt đèo mào, số điện thoại liên lạc, trông giống hệt nhau.
Anh Nguyễn Phi N., một lái xe taxi, cho hay: Việc lắp đặt biển hiệu, đèo mào, ghi số điện thoại của hãng taxi là không khó. Miễn là anh phải có xe và có tiền lệ phí để nạp cho hãng đó thì sẽ được lắp đặt (hơn thế, nếu mỗi năm chủ xe nạp khoảng 4.000.000 đồng thì được mang thương hiệu xe của doanh nghiệp đó). Việc giá cả thực hiện theo cơ chế mềm cũng xuất phát từ tình trạng này. Bởi xe của hãng quản lý thì nhất nhất phải tuân thủ giá quy định, còn xe do từng chủ quản lý thì lên xuống do chủ xe điều hành.
Ông Trần Hùng, một người dân ở thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), bức xúc: Ngay trước Trung tâm Văn hoá huyện, tôi đã từng chứng kiến không ít hành khách dở khóc, dở cười khi bị chèo kéo lên ngồi nhầm xe, đến lúc trả tiền mới tá hoả vì mình bị lừa với một giá cước hết sức bất hợp lý.
Không chỉ trên Quốc lộ 1A mà ở các cổng bệnh viện, đặc biệt là ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trên đường Hải Thượng Lãn Ông cũng có nhiều xe ô tô lắp đặt đèn mào của taxi rồi tự do đưa đón khách.
Một tài xế hãng xe taxi Mai Linh cho biết: Những chiếc taxi dù này hoạt động suốt ngày đêm và tài xế cũng thay đổi theo từng ca kíp. Còn về giá cả thì thu một cách tuỳ tiện, nhẹ nhàng cũng có mà chặt chém, tự nâng giá đối với hành khách đi vào ban đêm cũng rất nhiều.
Taxi dù dừng đỗ ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc và…nhiều nơi khác trên Quốc lộ 1A.
Qua tìm hiểu được biết: Xe taxi chính hãng phải có đèn mào, lôgô 2 bên, phù hiệu đăng ký taxi do Sở Giao thông vận tải cấp, đồng hồ tính tiền được đăng kiểm, bảng giá niêm yết… Lái xe phải mang trang phục của công ty, đeo thẻ nhân viên và đặc biệt phải có chứng chỉ lái xe taxi theo quy định.
Thế nhưng, lâu nay, việc kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động của các loại xe taxi trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn bỏ ngỏ theo kiểu “sống chết mặc bay”, hoặc là “chuyện nhỏ, biết rồi, để đó…”.
Xe buýt nhái nhếch nhác, lộn xộn ở bên trong.
Xe buýt rởm ngang nhiên tác oai , tác quái
Trên Quốc lộ 1A đoạn từ cầu Bến Thủy (Nhi Xuân) đến Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh) nhan nhản xe ô tô khách từ 40- 60 chỗ ngồi lưu hành và dừng đỗ ngay tại các điểm dừng xe buýt để đưa đón khách.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thể phân biệt được đâu là xe buýt thật, đâu là xe buýt rởm vì màu sơn của những chiếc xe này rất giống với màu sơn xe buýt của hai công ty kinh doanh vận tải xe buýt trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh là Tổng công ty TM&XD Đông Bắc và Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, điểm khác biệt mà hành khách ít để ý đến là ở xe buýt rởm không đăng ký kinh doanh xe buýt, không có còi bấm, tay vịn và đặc biệt là việc bố trí chỗ ngồi cho hành khách ở bên trong cũng hết sức lộn xộn. Những chiếc xe buýt nhái này không bán vé cho khách mà chỉ trực tiếp thu tiền với mức cao hơn từ 5 – 10 nghìn đồng hoặc nhiều hơn/hành khách, tuỳ theo độ dài ngắn của cung đường.
Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh, cho biết: Hiện tại, công tác quản lý, khai thác tuyến đối với dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách ở Hà Tĩnh hết sức lộn xộn, chồng chéo, bất cập. Xe buýt nhái chạy nhan nhản trên đường, cạnh tranh không lành mạnh nên ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của công ty, gây mất lòng tin đối với hành khách.
“Để chấn chỉnh tình trạng này, công ty cũng đã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng, song vẫn chưa mang lại kết quả, xe buýt nhái vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, gây biết bao hệ lụy cho hành khách”, ông Sỹ nói.
Xe buýt nhái tuyến Hà Tĩnh – Ga Vinh gây nhầm lẫn cho nhiều hành khách.
Để tìm hiểu nguyên nhân cũng như thực trạng về dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách đối với taxi dù, xe buýt rởm, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Phan Ngọc Quyết, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh. Ông Quyết thản nhiên nói: Đây là một thực tế diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm nay, mặc dầu cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng chưa giải quyết được một sớm một chiều. Đối với dịch vụ xe taxi dù, mỗi lần nghe “động tĩnh” có đoàn kiểm tra là các chủ phương tiện đã kịp thời thông báo cho nhau để tháo dỡ đèn mào hoặc tạm ngừng hoạt động. Còn đối với dịch vụ kinh doanh xe buýt nhái thì việc kiểm tra, xử lý lại khó khăn hơn. Vì cả Công ty TM&XD Đông Bắc và Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh trước đó đều không đăng ký màu sơn độc quyền để được bảo hộ nên đã tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xe buýt nhái bằng việc sơn màu giống hệt như xe của hai công ty nói trên.
Thiết nghĩ, nói như ông Quyết cũng là đồng nghĩa với sự bất lực của ngành chức năng trong việt lập lại trật tự kỷ cương trên tuyến vận tải hành khách nội địa ở Hà Tĩnh.
Dịch vụ xe taxi, xe buýt là hoạt động kinh doanh văn minh, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Song ngược lại, việc tồn tại xe taxi dù, xe buýt nhái trên địa bàn Hà Tĩnh đã gây ra nhiều hệ lụy cho hành khách và ảnh hưởng đến trật tự an ninh và an toàn xã hội trên địa bàn. Vậy thì bao giờ Hà Tĩnh mới dẹp được trình trạng hoạt động trái phép của xe dù, xe buýt nhái trên địa bàn. Hy vọng rằng những bất cập trên sẽ sớm được cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh tay hơn để chấn chỉnh kịp thời, đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đi vào nề nếp.