Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Biển báo giao thông “ngược đời” chỉ có ở Việt Nam?

Một hiện tượng theo chúng tôi chỉ có ở Việt Nam là hiện nay, bên một số tuyến đường có dựng tấm biển: “Đoạn đường hay xẩy ra tai nạn!”. Trên địa bàn cả nước, tấm biển có nội dung lạ lùng như trên có lẽ đến hàng ngàn, hàng vạn.

Lạ là ở chỗ: Thế nào là đoạn đường “hay xẩy ra tai nạn” chưa được lượng hoá một cách cụ thể. Phải bao nhiêu vụ, bao nhiêu người thương vong trong khoảng thời gian nào mới là nhiều, là “hay” (hoặc “thường”, “thường xuyên”)? Khái niệm “đoạn đường” cũng không xác định cụ thể, trừ một số trường hợp độ dài đoạn đường được cho là “nguy hiểm” đã ghi rõ trên tấm biển, nhưng nhiều trường hợp không ghi thông tin này. Chẳng qua là do nhận định chủ quan của cơ quan chức năng. Thứ hai, về bản chất, đây là tấm biển có nội dung cảnh báo đoạn đường thiếu an toàn. Nhưng cụ thể là nguyên nhân nào gây mất an toàn lại không hề được nêu, do đó, tấm biển đó chủ yếu có tính chất “đánh đố”, “doạ” người dân. Trên thực tế, những đoạn đường không an toàn (đèo dốc, đường hẹp, trơn trượt, người đông, đang thi công…) đều đã có biển, biển hiệu, tín hiệu cảnh báo hay người hướng dẫn đã được pháp luật qui định. Điều đáng nói là có nhiều đoạn đường phẳng, rộng, tầm quan sát rất tốt nhưng vẫn được gắn biển cảnh báo nói trên; ví dụ đoạn Vinh – Cửa Lò, Vinh – Hà Tĩnh… Vậy nguyên nhân gì khiến cho những đoạn đường này vẫn được cơ quan chức năng gắn biển có nội dung ngược đời đó? Nguồn gốc sâu xa của những tấm biển báo lạ lùng kia, theo chúng tôi, là do ảnh hưởng của quan niệm về “tâm linh, ma quỉ” trong dân gian. Người Việt xưa có quan niệm “thần cây đa, ma cây gạo”, cho rằng linh hồn con người thường phảng phất, ẩn hiện nơi bản thân bị chết bất đắc kì tử (do tai nạn, ốm đau bất ngờ). Nếu để ý, chúng ta thấy dọc các tuyến đường, nơi người đi đường bị tai nạn chết, người ta thường lập một cái miếu nhỏ để thắp hương.Theo dân gian, những linh hồn này thường rất “thiêng”, và để “siêu thoát”, những linh hồn đó phải “bắt” một vài người “đi” theo mình. Vì vậy mới có chuyện những nơi đường sá thanh vắng, bằng phẳng vẫn liên tục xẩy ra tai nạn (!?). Người dân quan niệm những người chết đuối thường hiện ra và nhấn chìm những người nào đó “hợp mệnh” với họ. Một số dân vạn chài không cứu người chết đuối, vì làm vậy là “trái ý thần linh”, sẽ bị thần linh trừng phạt. Trong “Văn chiêu hồn” (Văn tế thập loại chúng sinh), Nguyễn Du tả rất cụ thể, sinh động về các linh hồn người chết do tai nạn bất ngờ. Dịp Rằm tháng Bảy âm lịch người Việt cho rằng đây là “lễ cúng cô hồn”, có tục rải gạo muối, cháo hoa, tiền vàng cho các cô hồn vất vưởng. Trong suy nghĩ của nhiều người Việt hiện nay, có thế giới cõi âm, có linh hồn của người sau khi chết vẫn thường xuyên có quan hệ, liên lạc, tác động tới cuộc sống của những người trên “cõi trần”. Đây chính là nguyên nhân của các hiện tượng cúng bái, đốt vàng mã, ngoại cảm, áp vong, cầu hồn, cầu siêu, trung tâm tìm kiếm liệt sĩ…Có người xưng là “nhà khoa học” thường xuyên đi tìm kiếm, chụp ảnh “ma”, “linh hồn” như ông Nguyễn Phúc Giác Hải; có vị xưng là Tiến sĩ, làm trong lĩnh vực tâm linh như ông Vũ Thế Khanh… Trong văn bản QCVN 41:2012/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” nêu: “Biển số 244: Dùng để cảnh báo nguy hiểm đoạn đường phía trước thường xảy ra tai nạn để lái xe cần đặc biệt chú ý, phải đặt biển số 244 “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn”. Biển được đặt ở vị trí thích hợp nơi sắp vào đoạn đường thường xảy ra tai nạn”. Đây là một hiện tượng đặc biệt khi quan niệm tín ngưỡng dân gian được phản ánh trong văn bản qui phạm pháp luật. Thiết nghĩ, tự do tín ngưỡng, tin vào tâm linh hay không là quyền của người dân, nhưng ở góc độ quản lý nhà nước thì không thể bị quan niệm duy tâm, mang màu sắc mê tín dị đoan chi phối. Vì vậy, việc đặt các biển báo “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn” là phi khoa học, lãng phí, thậm chí góp phần gây ra tai nạn giao thông (che khuất tầm nhìn, gây áp lực tâm lí đối với người đi đường). Vậy, còn chần chừ gì nữa mà không tháo bỏ những tấm biển tạo ra phản ứng tâm lí tiêu cực cho người đi đường và góp phần làm gia tăng tệ nạn mê tín dị đoan vốn đã rất nặng nề trong cộng đồng?
Trần Quang Đại

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP