Cơ sở vật chất yếu kém
Với thực tế công việc đồng áng bận rộn thì việc tiếp nhận thông tin qua hệ thống phát thanh cơ sở là hình thức phù hợp nhất đối với người nông dân. Chị Phan Thị Hiền (Đức Thanh – Đức Thọ) cho biết: “Công việc đồng áng bận rộn, không có nhiều thời gian để ngồi đọc báo hay xem ti vi nên hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều đến với chúng tôi thông qua hệ thống loa phát thanh của xã. Hơn nữa, cũng nhờ hệ thống loa phát thanh ấy mà chúng tôi nắm bắt được nhanh chóng các hoạt động của địa phương ngay cả khi đang làm việc”.
Lợi ích là thế nhưng hiện nay, hệ thống trạm truyền thanh cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cả về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn 22 xã chưa được đầu tư xây dựng trạm truyền thanh là Tân Hương (Đức Thọ); Thuần Thiện, Yên Lộc (Can Lộc); Thạch Hải, Bắc Sơn (Thạch Hà), riêng Kỳ Anh có đến 17 xã. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc người dân tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có 240 trạm truyền thanh cấp xã, phường, trong đó có 140 trạm hữu tuyến, 100 trạm vô tuyến. Trừ một số trạm hoạt động sáng tạo, có xây dựng chương trình riêng, còn lại hầu hết các trạm đều hoạt động theo hình thức tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh và huyện, tuyên truyền một số văn bản của Đảng, Nhà nước và địa phương… Nhìn chung, cơ sở vật chất của 240 trạm còn nghèo nàn, các thiết bị máy phát, máy thu, tăng âm… được lắp đặt từ chục năm trước, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, không đáp ứng được công tác truyền dẫn hiện đại. Các trạm này đều được đặt tại trung tâm hành chính xã, phường, trong khi đó hệ thống loa phát thanh kém chất lượng nên người dân ở vùng sâu, vùng xa hầu như không nghe được nội dung phát thanh.
Thiếu nguồn nhân lực
Trạm truyền thanh cơ sở do UBND cấp xã quản lý về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị nhưng nhìn chung mô hình tổ chức của hệ thống này chưa thống nhất, nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn. Nhân lực phụ trách hoạt động truyền thanh cơ sở đều là cán bộ kiêm nhiệm, họ chưa được đào tạo cơ bản các kiến thức về biên tập, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin, nghiệp vụ phát ngôn viên hoặc tuyên truyền cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền… nên còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng chương trình, nội dung phát thanh. Hơn nữa, do yêu cầu, nhiệm vụ, các cán bộ kiêm nhiệm này lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn tới thực trạng thiếu ổn định và nhiều người không mặn mà với công tác chuyên môn.
Nhân lực phụ trách hoạt động truyền thanh cơ sở đều là cán bộ kiêm nhiệm
Anh Nguyễn Anh Văn – Trưởng ban Văn hóa thị trấn Kỳ Anh cho biết: “Trạm phát thanh của thị trấn Kỳ Anh hoạt động khá quy củ với 5 nhân viên phụ trách. Những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng nội dung chương trình sao cho phù hợp và hấp dẫn người dân. Tuy nhiên, do đặc trưng kiêm nhiệm nên nhân sự thường xuyên thay đổi, việc này gây rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, bởi mỗi lần thay người là mỗi lần chúng tôi phải đào tạo, hướng dẫn lại từ đầu. Hơn nữa, vấn đề đáng lo ngại nhất của chúng tôi chính là khả năng biên tập, tổng hợp thông tin của cán bộ phụ trách chưa cao, lại ít được tập huấn nâng cao nghiệp vụ”.
Mặc dù hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở đã đào tạo kỹ năng thông tin và truyền thông cho 213 học viên, trong đó có nhiều cán bộ trạm truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, chương trình này chưa phủ sóng toàn tỉnh nên việc thiếu hụt kiến thức và kinh nghiệm vẫn là vấn đề cần sớm được giải quyết ở rất nhiều trạm. Theo mô hình quản lý, hoạt động chung, đài TT-TH cấp huyện sẽ phụ trách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trạm truyền thanh cơ sở nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, ở hầu hết các huyện, vấn đề này chưa được chú trọng, mà nếu có cũng chỉ mới chú trọng vấn đề sử dụng, vận hành máy móc.
Ông Phan Tấn Linh – Giám đốc Sở TT-TT: Vấn đề cần giải quyết đầu tiên là nhân lực
Những khó khăn bắt nguồn từ yếu tố con người đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nội dung, chương trình cũng như việc vận hành, bảo quản máy móc. Hiện nay, Sở TT&TT đang xin chủ trương UBND tỉnh xem xét, bổ sung chức danh phụ trách đài truyền thanh xã, phường, thị trấn vào chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP và Nghị định 29/2013/NĐ-CP. Khi bài toán về nhân lực được giải thì những vướng mắc khác trong việc phát huy hiệu quả hệ thống trạm truyền thanh cơ sở cũng sẽ từng bước được giải quyết.
Anh Phan Huy Chung – Phó trưởng Công an xã Ngọc Sơn: Cần đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống máy móc
Là Phó trưởng Công an xã Ngọc Sơn, tôi kiêm nhiệm làm chương trình phát thanh của xã từ năm 2009 đến nay. Trạm truyền thanh của xã vẫn dùng chiếc máy công suất 500W được trang bị từ năm 1999, hơn thế nữa, qua mấy lần bị sét đánh nên chất lượng truyền thanh rất kém. Hiện nay, tôi phải dùng chiếc đài catset cá nhân để thu âm rồi mang lên trạm phát. Chính vì thế, khi chất lượng âm thanh chỉ ổn định trong thời tiết tốt, còn nếu gió to thì chỉ nghe ù ù.
Tôi nghĩ, trạm truyền thanh cơ sở là một khâu quan trọng trong việc chuyển tải tới người dân những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình hoạt động của địa phương nên cần phải có chính sách đầu tư về máy móc cũng như bổ sung chức danh phụ trách chính.
Chị Trần Thị Thanh Thủy – Trưởng Đài TT–TH huyện Đức Thọ: Tập huấn chuyên môn cho cán bộ truyền thanh cơ sở
Hiện nay, hầu hết các trạm truyền thanh cán bộ đều kiêm nhiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ, đã thế, hầu như các hoạt động phối hợp giữa các trạm và Đài TT–TH huyện chỉ mới chú trọng đến vấn đề vận hành, bảo quản máy móc, kỹ thuật nên khả năng biên tập, tổng hợp nội dung chương trình phát thanh chưa cao. Sắp tới, UBND huyện Đức Thọ sẽ tổ chức lớp tập huấn chung cho cán bộ trạm truyền thanh cơ sở về các kỹ năng biên tập, khai thác thông tin cũng như xây dựng nội dung chương trình.
Theo Phong Linh (Báo Hà Tĩnh)