Hàng ngày, người dân khối phố 5, phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) vẫn quen thuộc với bà giáo hưu mẫn cán với công tác phụ nữ, công tác khuyến học tại chi bộ. Ít ai biết rằng người nữ giáo hưu này, từng là một trong những thiếu niên tiêu biểu của Hà Tĩnh vinh dự được trò chuyện cùng Bác Hồ cách đây ngót 48 năm.
Ngôi nhà của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Mão nép mình trong con ngõ nhỏ của phường Tan Giang. Ngay ở gian phòng khách, ngoài ban thờ gia tiên, ở phía trái cô đặt ban thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luôn hương khói cẩn thận, chu đáo. Ngày 2/9 hàng năm, cô Mão đều làm mâm cơm cúng giỗ Bác Hồ.
Trong những ngày cả nước hướng về ngày tết Độc Lập và 45 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Mão cũng rưng rưng nhưng kỷ niệm không bao giờ quên.
Năm 1966, khi ấy cô Nguyễn Thị Mão vừa tròn 14 tuổi đang học lớp 6A trường tiểu học Hương Phúc (huyện Hương Khê). Vào thời gian này, Hà Tĩnh là vùng đất chia lửa cùng tiền tuyến miền Nam và phải chịu đựng những trận đánh phá ác liệt của không lực Mỹ.
Dã man hơn hết, chúng rải thảm bom B.52 vào các làng mạc, bệnh viện, chùa chiền, nhà thờ và trường học… Tháng 3/1966, trường cấp 2 Hương Phúc, thuộc huyện Hương Khê là mục tiêu đánh phá của chúng.
Vào một ngày trung tuần tháng 3/1966, hàng đàn quạ Mỹ lồng lộn ném bom “tọa độ” vào trường. Buổi sáng, chỉ mỗi lớp 6A, vừa vào tiết học vǎn. Toàn trường lúc này có 45 học sinh thì có 33 học sinh tử vong và 22 học sinh bị thương. Lớp học của cô Nguyễn Thị Mão bị ném bom chết gần hết. Duy, chỉ học trò Nguyễn Thị Mão may mắn thoát chết, do hôm ấy, Mão vì có việc nhà nên xin phép đến lớp muộn.
“Khi hay tin, tôi bàng hoàng không thể tin rằng không còn gặp lại tất cả các bạn của tôi. Chỉ vừa mới đây thôi, chúng tôi còn cười đùa hay tranh luận về chuyện ở ngoài vùng kháng chiến mà thầy cô kể lại, vậy mà khi tôi đến nơi, tất cả chỉ còn một đống đổ nát. Bạn bè tôi bị vùi dưới đất lạnh. Khi ấy, trong tôi chỉ trào lên cảm giác đau xót và uất hận…”, lời tâm sự của người học trò năm xưa nghẹn lại. Năm tháng qua đi, ký ức đau thương ấy vẫn chưa hề nguôi.
Sau vụ ném bom thảm sát, Bác Hồ được tin này, đã cho mời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Vǎn Huyên lên cho Bác biết tình hình cụ thể việc giặc Mỹ leo thang hủy diệt các trường học. Ty Giáo dục (nay là Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), hiệu trưởng nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh của trường tiểu học Hương Phúc cũng được mời ra Hà Nội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước học sinh, sinh viên thủ đô và 120 nhà báo nước ngoài. Trong chuyến đi đó, cô học trò Nguyễn Thị Mão cũng được tham dự.
Đoàn giáo dục Hà Tĩnh theo Bộ trưởng vào Ba Đình báo cáo với Bác sự việc tàn bạo của giặc Mỹ ở Hương Khê vừa xảy ra. Lúc đoàn vừa đến đã thấy Bác chờ sẵn ở sảnh đường phòng khách Phủ Chủ tịch.
Bác thân mật hỏi thǎm từng người. Một cán bộ trong đoàn thay mặt thưa cùng Bác tội ác của đế quốc Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc. Vừa nói chuyện, người cán bộ chỉ sang học trò Mão và nói – “Thưa Bác, lớp sáu chỉ còn mỗi một em học sinh là Nguyễn Thị Mão sống sót”. Nghe xong, Bác bảo Mão đến ngồi kề Bác. Bác nhẹ nhàng vuốt tóc cháu gái bé bỏng, như ông ngoại vỗ về an ủi cháu. Mấy lần câu chuyện kể dở phải dừng lại vì Bác rút khǎn tay lau mắt.
“Rồi Bác quay sang hỏi tôi về việc nhà, tôi thưa Bác rằng cháu đã biết làm thành thục mọi việc cấy cày nhà nông và gánh 30 cân lúa. Nghe vậy, Bác vuốt tóc và căn dặn rằng – Cháu gặt hái, cấy được là giỏi. Bác khen cháu vừa học vừa giúp gia đình. Nhưng tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu đừng gánh nặng quá. Mười một tuổi như cháu gánh ba mươi cân là không nên”, người nữ giáo hưu bồi hồi nhớ lại.
Trong đoàn có, chị Trương Thị Vi là người thân của học sinh bị nạn, cũng đứng lên thưa chuyện: “Thưa Bác, cháu đại diện cho phụ huynh học sinh, em ruột cháu bị lấp vùi trong cǎn hầm, ngạt thở chết. Cha già không đi được, cháu đi thay”.
Bùi ngùi lặng im một lúc, Bác hỏi Vi: “Cháu có biết phụ huynh là gì không?”. “Thưa Bác, phụ huynh là cha mẹ ạ!”. Bác ôn tồn giảng giải thêm: “Phụ huynh là cha anh. Ngày xưa phong kiến trọng nam khinh nữ, nên chỉ nói đến cha anh, xem nhẹ vai trò của mẹ. Hôm nay, Bác dặn chú Huyên (Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Văn Huyên – PV), là ta có từ cha mẹ thì cứ gì phải dùng phụ huynh. Còn học sinh thì ta dùng học trò cũng được. Từ nào ta thiếu thì hãy mượn”.
“Nhân đây, Bác nhắc các thầy cô giáo là, giáo dục ở nhà trường phải biết kết hợp với gia đình. Vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội, nhà trường mới tốt, mới dạy tốt, học tốt được? Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Gia là nhà, đình là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong nhà, ngoài sân thôi. Nghĩa là chỉ lo cho những người trong nhà mình ấm no, yên ổn. Ngoài ra ai nghèo khó mặc ai. Như thế là chưa đủ. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ: Những người lao động trong một nhà máy, một cơ quan, trường học… đều phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng hơn nữa, thì có đại gia đình các dân tộc Việt Nam và “công nông thế giới đều là anh em”.
Rồi Bác dặn dò phải có kế hoạch đào hầm, che chắn và phân tán các trường đại học về nông thôn bảo đảm an toàn cho thầy trò.
Những lời của Bác khiến mọi người trong đoàn ai cũng lặng đi. Lời Bác dặn rất giản dị, nhưng dễ hiểu. Cô bé lớp 6 Nguyễn Thị Mão tự hứa với mình, phải nỗ lực và phấn đấu hơn nữa.
Trước lúc chia tay, Bác chia quà cho từng người một và bảo gói đem về. Bác lấy cho bé Mão một nắm kẹo. Bác tiễn chân đoàn giáo dục Hà Tĩnh xuống tận sân rồi mới quay vào. Trên đường về, mọi người ai cũng xúc động bởi đang trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian cho một trường huyện nhỏ nơi vùng sâu.
Sau cuộc gặp gỡ với Bác, những thành viên của đoàn giáo dục tỉnh Hà Tĩnh hôm đó đã biến đau thương thành hành động, thi đua “dạy tốt, học tốt”, để xúng đáng với lời dạy và sự tin tưởng Bác đã gửi gắm.
Riêng cô học trò Nguyễn Thị Mão đã phấn đấu và trở thành giáo viên cấp 3 tại trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh). Trong từng giờ dạy, cô còn kể cho học trò nghe những câu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ, nhất là những bài học về đức tính giản dị, lối sống khoa học, tiết kiệm… Chính cô cũng luôn là một tấm gương mẫu mực đối với học trò, đồng nghiệp…
Hiện, cô Nguyễn Thị Mão đã nghỉ hưu. Ngoài 60 tuổi nhưng người nữ giáo hưu vẫn ngày ngày tham gia hăng say các hoạt động tại địa phương. Với những đóng góp của mình, năm 2013, cô Nguyễn Thị Mão là một trong những điển hình xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tuyên dương trong toàn tỉnh.
Phượng Vũ