Kết luận chỉ ra, việc xử lý hồ sơ hưởng chế độ theo Thông tư số 08 diễn ra trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều, một số quy định pháp luật chưa rõ ràng; các cơ quan chức năng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, không lường hết các phát sinh trong thực tiễn, nhất là đối với bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; một số đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật đã nhờ người khác làm giả hồ sơ điều trị bệnh tật để lập hồ sơ hưởng chế độ.
Mặt khác, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ người có công của các cấp, các ngành, trực tiếp là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Sở Y tế, Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, các bệnh viện trong tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan chưa được quan tâm thường xuyên, sâu sát; chưa làm tốt công tác kiểm tra, chỉ đạo, uốn nắn, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế; một số cán bộ chuyên môn của các cơ quan liên quan thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm trong việc tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền quản lý để tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu hồ sơ của 444 đối tượng do Sở LĐ-TB&XH chuyển giao cho thấy, 441 đối tượng có hồ sơ đủ điều kiện hưởng chế độ; 1 đối tượng có hồ sơ Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận bệnh, tật không thuộc danh mục bệnh, tật theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/2/2008 của Bộ Y tế là ông Thái Văn Kính, ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên.
Đặc biệt, kết luận chỉ ra có 2 đối tượng có hồ sơ bệnh án giả mạo, là ông Nguyễn Bá Bình, ở xã Quang Lộc và ông Nguyễn Hữu Ngôn, ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc.
Theo các biên bản làm việc của đoàn thanh tra với Bệnh viện K TƯ ngày 29/9/2015 khẳng định bệnh án, chữ ký của lãnh đạo bệnh viện và con dấu đều là giả mạo, không phải của Bệnh viện K TƯ; biên bản làm việc với ông Nguyễn Bá Bình và ông Nguyễn Hữu Ngôn ngày 4/11/2015 đều thừa nhận các hồ sơ này do các ông nhờ người khác làm hộ nên không biết là hồ sơ giả mạo và cũng không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ chứng minh bị bệnh liên quan.
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH với vai trò là người đứng đầu cơ quan, ngành chức năng; trực tiếp là các Phó Giám đốc phụ trách việc lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định chi trả sai chế độ cho ông Thái Văn Kính, ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên.
Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh trong việc kiểm tra, soát xét, không phát hiện hồ sơ, bệnh án điều trị giả mạo của Bệnh viện K TƯ đối với 2 đối tượng là ông Nguyễn Bá Bình và ông Nguyễn Hữu Ngôn, dẫn đến Sở LĐ-TB&XH quyết định chi trả sai chế độ quy định.
Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ sai quy định, đối với hồ sơ của các ông Bình và ông Ngôn
Để giải quyết, khắc phục các tồn tại, hạn chế; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, UBND tỉnh giao Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định đình chỉ hưởng trợ cấp chế độ ưu đãi hàng tháng và các chế độ khác có liên quan đối với 3 đối tượng có hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ chất độc hóa học theo quy định;
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Cẩm Xuyên, Can Lộc tổ chức truy thu số tiền đã chi trả sai chế độ cho 3 đối tượng nêu trên, nộp vào ngân sách Nhà nước với số tiền 717,5 triệu đồng.
Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng; thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công.
Sở LĐ-TB&XH tăng cường kiểm tra, rà soát việc xét duyệt hồ sơ chế độ theo đúng quy định pháp luật đối với người có công nói chung và người hưởng chế độ chất độc hóa học nói riêng từ khi Thông tư số 08 có hiệu lực.
Ngoài ra, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm trong thời gian thực hiện giải quyết chế độ chất độc hóa học để xảy ra các tồn tại, hạn chế
Tác giả: Bảo Anh
Nguồn tin: Báo Thanh tra