Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: 10 năm sống vật vã bên dự án nghìn tỷ

Sau gần 15 năm triển khai, đến nay dự án mỏ sắt Thạch Khê đã dừng khai thác hơn 10 năm qua, gây ra không ít hệ lụy cho chính quyền và nhân dân địa phương. Mới đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất sớm cho chủ trương xử lý dứt điểm dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Sống cảnh “3 không” bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Những ngày đầu năm mới 2022, khi từng đợt mưa lớn liên tiếp ập xuống do ảnh hưởng kép của gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường, 30 hộ dân với gần 100 nhân khẩu thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lại nớp nớp lo sợ bởi “túi nước” phía đầu nguồn có thể đầy và vỡ, đổ ập xuống nhà dân bất cứ lúc nào. Tình trạng này đã kéo dài suốt hơn 5 năm qua. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng thôn Nam Hải thì “túi nước” kia được hình thành từ việc dự án mỏ sắt Thạch Khê đóng trên địa bàn.

Khu vực moong mỏ sắt nay thành một hồ nước lớn, sâu hàng chục mét.

Hơn 10 năm về trước, trong quá trình triển khai dự án, mưa lớn khiến bùn đất từ bãi chứa chất thải ở mỏ sắt Thạch Khê tràn xuống vùi lấp nhiều ngôi mộ và đất canh tác của người dân xã Thạch Hải. Để ngăn chặn sự cố, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã cho xây dựng bờ bao quanh bãi thải. Bờ bao được đắp đất cao khoảng 1m, dài hơn 5 km kéo dài từ đoạn giáp ranh với xã Đỉnh Bàn tới moong mỏ sắt. Từ khi có bờ bao này, tình trạng nước thải và bùn tràn xuống khu vực dân cư đã chấm dứt, hằng năm phía chủ đầu tư cũng gia cố, tu bổ nên không có tình trạng nước thải tràn qua. Tuy nhiên, kể từ khi mỏ sắt dừng hoạt động, đặc biệt là khoảng 5 năm trở lại đây, khi bờ bao này không được gia cố, cứ mỗi lần có mưa lớn, nước đổ dồn về đã phá vỡ bờ bao khiến bùn đất tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới đất canh tác và cuộc sống người dân địa phương.

Thống kê của chính quyền địa phương sở tại, đã có ít nhất 14-15 ha diện tích trồng cây trầu không (cây trồng chủ lực) của người dân xã Thạch Hải bị vùi lấp, không thể canh tác. Cùng với đó, hiện trên tuyến bờ bao có 4 điểm bị sạt lở kéo dài hàng chục mét, khiến mỗi khi mưa lũ kéo đến, những nhà dân gần khu vực bờ bao cũng bị nước, bùn đất cuốn vào nhà. Dù đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết. Hằng năm, trước mỗi mùa mưa bão, địa phương đã huy động máy móc, nhân lực tiến hành gia cố bờ bao. Tuy nhiên, việc gia cố cũng chỉ mang tính chất tạm thời bởi nhiều chỗ đã sạt lở nghiêm trọng.

Dù không còn hoạt động, hằng năm doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra 2 tỷ đồng để thuê bảo vệ, trông coi máy móc.

Cùng với Thạch Hải, 4 xã khác trong khu vực là Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc là những địa phương mà suốt hơn 1 thập kỷ qua đã phải oằn mình gánh chịu những hệ lụy dai dẳng từ dự án mỏ sắt Thạch Khê mang lại. Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn Nguyễn Viết Hải cho biết, năm 2011, khi triển khai dự án, toàn xã có 60 hộ dân thuộc diện phải di dời, tái định cư để nhường đất cho dự án. Tưởng về nơi ở mới, cuộc sống của người dân sẽ an cư, đồng thời sớm lạc nghiệp khi lãnh đạo công ty hứa hẹn sẽ ưu tiên tạo công ăn việc làm cho con em trên địa bàn. Nhưng không, dự án kéo dài lê thê, rồi tạm dừng vô thời hạn khiến nhiều hộ dân phải sống trong cảnh thiếu việc làm, thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất. “Nhiều hộ gia đình 3-4 thế hệ sống chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp nhưng không dám cơi nới, sửa chữa vì nằm trong diện quy hoạch “treo” mỏ sắt. Mấy năm trở lại đây, mỏ sắt dừng hoạt động nhưng bà con cũng không thể sản xuất vì ruộng đồng đã biến thành những hố cát sâu hoắm”, ông Hải cho biết thêm.

Năm 2006, để lấy đất phục vụ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh lên kế hoạch di dời gần 4.000 hộ dân vùng bãi ngang thuộc 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà đến khu tái định cư mới. Tuy nhiên, sau 15 năm, chỉ hơn 100 hộ được chuyển đi nơi khác, trong khi chính quyền chỉ mới giải phóng được 839 ha trong tổng số 4.821 ha đất dự kiến sử dụng. Từ năm 2011, mỏ sắt Thạch Khê chính thức dừng hoạt động, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nề, hàng ngàn hộ dân phải mua máy về lọc phèn rồi mới sử dụng được. Tại xã Thạch Lạc có hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án mỏ sắt nên đất đai không thể cấp sổ đỏ, chuyển đổi. Nhiều thôn xóm nằm trong khu vực quy hoạch mỏ sắt nên nhiều năm qua đều thuộc diện "3 không": không được đầu tư hạ tầng giao thông, không xây nhà văn hóa, không xây dựng nông thôn mới.

Do cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, từ năm 2015 đến nay, chính quyền huyện Thạch Hà đã cho người dân xây nhà tạm trên diện tích đất hiện có với yêu cầu, khi mỏ sắt tái khởi động thì phải trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư. Mấy năm trở lại đây, cũng bởi cuộc sống nơi ở mới quá khó khăn, một số hộ dân đã xin phép chính quyền để quay lại nhà cũ để làm ăn sinh sống. “Thời gian đầu, chúng tôi chỉ dám trồng cây và nuôi con ngắn ngày. Nhưng, vừa làm vừa chờ trông cũng mỏi mệt nên đánh liều đầu tư sản xuất lâu dài để mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Giờ chỉ mong số phận mỏ sắt sớm được định đoạt, để người dân chúng tôi yên tâm an cư lạc nghiệp”, ông Thành (73 tuổi), một người dân xã Thạch Khê quay về nhà cũ sinh sống từ năm 2017 cho biết.

Bờ bao dài 5 km quanh bãi thải của mỏ sắt đã xuống cấp nghiêm trọng.

Địa phương kiên quyết bỏ, doanh nghiệp cố níu giữ

Mỏ quặng sắt Thạch Khê được xem là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam và số 1 khu vực Đông Nam Á, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Năm 2008, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư được triển khai, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2008-2011, dự án đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Tuy nhiên, từ năm 2011, dự án phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vào cuộc, thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động, trong đó có việc mỏ sắt Thạch Khê thực hiện công tác thử nghiệm công nghệ trên nền cát và sét giai đoạn 1 khoảng 1,5 triệu m3 từ 2007-2009 khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, TIC thực hiện dự án chưa bảo đảm phát triển bền vững, chưa thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng quặng khai thác cho nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm theo giấy phép đầu tư, giấy phép khoáng sản được cấp. Thời gian qua, các cổ đông TIC không có khả năng góp vốn theo tiến độ cam kết. Bộ Công thương cũng nhận định, TIC không còn tiền đầu tư trong khi nhu cầu kinh phí đầu tư lớn. Ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 114 tỉ đồng/năm, cần bổ sung thêm 1.000 tỉ phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư. Từ ý kiến các bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho kết thúc dự án, bổ sung mỏ này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Công trường xí nghiệp khai thác mỏ đóng cửa hơn 1 thập niên qua.

Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Riêng trong năm 2011, Hà Tĩnh đã 2 lần kiến nghị về vấn đề này. Mới đây nhất, ngày 19-11-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý dự án mỏ sắt Thạch Khê. “Để giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho công ty tham gia chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, đồng thời để ổn định việc sản xuất, đời sống cho nhân dân trên địa bàn liên quan hoạt động khai thác mỏ, UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty CP Sắt Thạch Khê”, trích văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Một ngôi nhà nhường đất cho dự án, bỏ hoang đã hơn 10 năm, nay được chủ nhân chuẩn bị sửa sang để dọn về ở lại.

Phản biện về vấn đề này, phía nhà đầu tư cho rằng, đến nay TIC đã đầu tư khoảng hơn 2.000 tỉ đồng vào mỏ sắt Thạch Khê, việc đóng cửa mỏ sẽ khiến số tiền này hoàn toàn bị mắt trắng. Ông Đỗ Đình Thừa, quyền Tổng Giám đốc TIC khẳng định, việc đánh giá các căn cứ, cơ sở dừng dự án của các bộ, ngành liên quan là chưa đầy đủ. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nguyên tắc với TIC để tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê với tổng nhu cầu khoảng 5,2-5,7 triệu tấn/năm nên việc tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong nước là hoàn toàn khả thi.

“Quan điểm của TIC là kiến nghị được tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Hiện, TIC cũng đã thuê đơn vị độc lập nước ngoài đánh giá môi trường dự án. Hằng năm, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chi 2 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi giúp đỡ doanh nghiệp trả lương cho số công nhân trông coi máy móc tại dự án. Nếu chấm dứt dự án, cần phải có sự bồi thường thỏa đáng bởi chủ đầu tư không sai”, ông Thừa bày tỏ quan điểm.

Tác giả: Thiện Thành

Nguồn tin: antg.cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP