Trong nước

Gò Đống Đa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Lê Hoàn, Ngũ Hành Sơn, đường Trường Sơn, gò Đống Đa... nằm trong 11 di tích quốc gia đặc biệt mới được công nhận.

Ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt năm 2018. Đợt công nhận này có nhiều địa danh gắn với những chiến thắng trong lịch sử chống ngoại xâm.

Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) rộng hơn 6.000 m2, được xem là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn.

Tượng đài Quang Trung tại gò Đống Đa. Ảnh: Giang Huy.

Tượng đài Quang Trung tại gò Đống Đa. Ảnh: Giang Huy.

Tết Kỷ Dậu 1789, nơi đây là chiến trường chính ác liệt khi vua Quang Trung tiến vào giải phóng Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh khỏi bờ cõi.

Sau chiến thắng, quân Tây Sơn thu nhặt xác giặc đắp thành 12 gò, gọi là "Kình nghê quán" (gò chôn xác giặc giữ như cá kình, cá nghê). Sau người dân mở đường, mở chợ thấy có nhiều hài cốt nên thu nhặt đắp một gò thứ 13, gọi là gò Đống Đa. Thời Pháp thuộc, các gò bị san phẳng, chỉ để lại gò Đống Đa.

Tháp Nhạn là di tích kiến trúc nghệ thuật nằm trên núi Nhạn bên bờ sông Ba, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Công trình được người Chăm xây dựng ào khoảng thế kỷ X đến XIII. Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1988.

Vật liệu xây dựng tháp đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng nhỏ lại, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 23,5 m, mỗi cạnh chân tháp dài 10 m.

Chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thờ Phật và thần Pháp Vân nên có tên gọi là Pháp Vân Tự. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400), lưu giữ nguyên mẫu các pho tượng Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) mà tương truyền rằng được tạc từ cành dâu lấy từ chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh.

Di vật quý giá nhất của chùa Thái Lạc là 20 bức phù điêu gỗ thời Trần còn lại.

Đền thờ Lê Hoàn (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có diện tích gần 4 ha, kiến trúc kiểu chữ công (I) rộng 13 gian, có sân rồng, nhà tiền đường, trung đường, hậu cung.

Đền có tấm bia do Hoàng Giáp Nguyễn Thực soạn năm 1626 và tấm bia nhỏ hơn nhưng lại dựng trước (1601) do Phùng Khắc Khoan soạn. Văn bia ghi súc tích về những chiến công to lớn của Lê Hoàn (980-1005) - người chỉ huy mười đạo quân đánh bại quân Tống xâm lược, bắt sống vua Chiêm rửa nhục cho việc sứ giả Đại Việt bị Chiêm Thành bắt giữ. Vua Tống phải thừa nhận độc lập dân tộc của Nhà nước ta và phong Lê Đại Hành là Nam Bình Vương.

Đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội), thờ Thành Hoàng làng là Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thánh đứng đầu trong hàng tứ bất tử của người Việt. Đình có nhiều nét chạm trổ bằng gỗ quý cầu kỳ, tỉnh xảo, gắn với hình các linh vật, cây gỗ quý như: rồng, nghê, mặt trời, mặt trăng, hươu, hoa lá, tùng, trúc, mai và cả hình người...

Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của Vĩnh Phúc. Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương, một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta ở thế kỷ XII. Đình được xếp hạng di tích quốc gia năm 1964.

Đình So (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), được xây dựng năm 1673 dưới đời vua Lê Gia Tông. Đình So được coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài với kiến trúc mẫu mực. Đình thờ tam vị nguyên soái Đại Vương là các vị tướng đã theo vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn 12 sứ quân.

Nhà đày Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do Pháp lập ra thời kỳ 1930-1931 để giam giữ những người yêu nước Việt Nam. Khu này có diện tích gần 2 ha, bốn bức tường bao quanh cao 4m dày 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24h. Phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân, ngoài ra còn có nhà xưởng, nhà kho và bếp ăn tập thể...

Từ năm 1930-1945, hàng ngàn lượt tù chính trị Việt Nam đã bị đày ải tại đây. Sau 1954, Nhà đày được Mỹ giam giữ tù nhân với hai phần: nơi phục vụ quân nhu và Trung tâm cải huấn.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước) có thêm 9 điểm được bổ sung vào di tích quốc gia đặc biệt. Đây là hệ thống giao thông, liên lạc, đường ống xăng dầu trải hàng ngàn km từ Nghệ An đến Bình Phước. Di tích này gồm 37 điểm tiêu biểu, nằm trên địa bàn 11 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Phước. Đường được công nhận di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2013.

Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là địa danh du lịch nổi tiếng với những núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2 km2. Danh thắng gồm 4 ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong. Núi Thuỷ Sơn cao nhất, là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) với trên 21.000 ha rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý...

Khu bảo tồn bước đầu đã ghi nhận được 88 loài thú, 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loại lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá dầm xanh, anh vũ, lăng, chiên, bỗng. Nhiều loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP