Du lịch

Xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn

Kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố.

Di tích Hải Vân Quan đón hơn 300.000 lượt khách tham quan năm 2017

Chiều 24/8, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức công bố kết quả sơ bộ khai quật di tích Hải Vân Quan (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Theo đó, từ tháng 4/2018 đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu và khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan trên diện tích gần 900m2 khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích.

Kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố. Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.

Cụ thể, cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đã bị vùi lấp mất phần chân móng nên không xác định rõ quy mô, kết cấu bậc cấp và lối đi vào cổng. Khi các nhà khảo cổ tiến hành khai quật ở độ sâu 1,4m, mọi dấu tích đã được làm xuất lộ. Qua đó, xác định được chân móng của cổng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nề bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m).

Phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng THĐNHQ. Lối đi này rộng 4,8m, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây của ngọn Hải Vân Sơn. Bậc cấp đi từ cổng Hải Vân Quan lên được xếp bằng đá núi, dài 7,4m, rộng 5,5m, gồm 10 bậc, mỗi bậc rộng 0,7m.

Xuất lộ dấu tích nền móng kiến trúc của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn

Cổng Hải Vân Quan hiện nay vẫn còn giữ nguyên kết cấu với kích thước cao 6,45m, rộng 7,9m, lòng cổng rộng 3,48m, được xây cuốn vòm bằng gạch vồ, chân bó đá Thanh, nền lát đá sa thạch. Tuy nhiên, theo sử liệu và những ghi chép của ông H.Cosserat, cũng như hình ảnh đúc trên Cửu Đỉnh. Phía trước (phía nam) cổng là hệ thống bậc cấp dẫn xuống đường thiên lý. Trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú nơi đây, ngoài việc xây thêm kiến trúc bên trên nóc cổng, hệ thống bậc cấp trước cổng cũng đã bị xẻ đôi và đào phá để tạo lối đi mới lên ngọn Hải Vân Sơn.

Qua kết quả khai quật, đã làm xuất lộ dấu tích bậc cấp cùng đường thiên lý phía nam cổng Hải Vân Quan. Bậc cấp được xếp bằng đá núi, rộng phủ bì 8,6m, hai bên bó vỉa bằng đá núi (rộng 0,65m). Bậc cấp dốc thẳng xuống phía dưới, nối với đường thiên lý. Đường thiên lý chạy vòng về bên trái Hải Vân Quan (hướng đông nam). Dấu vết còn lại cho thấy chiều rộng của con đường khoảng 6,8m, hai bên được bó vỉa bằng đá núi. Từ những dấu tích xuất lộ có thể xác định đường thiên lý từ Hải Vân Quan đi về phía nam men theo hướng đông nam, chạy theo sườn núi phía nam của ngọn Hải Vân Sơn xuống vịnh Đà Nẵng (khu vực Làng Vân hiện nay).

Đường đi từ Hải Vân Quan lên THĐNHQ bám theo chân tường thành phía bắc nối từ Hải Vân Quan lên THĐNHQ, rộng 5m, nền đường lát một lớp đá núi.

Cổng phụ được xây dựng trên đoạn tường nối Hải Vân Quan với THĐNHQ, cách mặt tường trong của Hải Vân Quan 3,9m; nền móng dài 3,08m, rộng 2,2m, lòng rộng 1,8m, trụ và nền đều xây bằng gạch vồ.

Từ cổng Hải Vân Quan đến THĐNHQ được xây dựng một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích. Những dấu tích hiện còn ngày nay, với chiều rộng hơn 1,0m, được xếp đá ngay ngắn đã làm cho nhiều người ngộ nhận là hệ thống tường thành ở đây còn khá nguyên vẹn.

Quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn được xây theo kết cấu “thượng thu hạ thách”, chân móng rộng 2,2m, thân tường rộng 1,9m, cao 2,3m - 2,4m được xếp bằng đá núi, khít mạch.

Kết quả khai quật cũng đã cho thấy những dấu tích nền móng của các pháo nhãn, Các ụ pháo đều có kích thước dài 4,5m, rộng 4,5m, vuông góc với mặt trong tường thành.

Cũng căn cứ vào các dấu tích còn sót lại từ kết quả khai quật, các nhà khảo cổ đoán định kiến trúc nhà Trú Sở có mặt bằng hình chữ nhật, mặt quay hướng tây, hướng về phía lối vào bên trong cổng Hải Vân Quan, nhà dài 9m, rộng 6m. Toàn bộ công trình được xây trên cấp nền cao từ 0,8 - 1,8m, dài 10,65m, rộng 7,3m, xung quanh kè đá núi, dày khoảng 0,6m. Riêng vết tích kiến trúc nhà Vũ Khổ gần như đã bị triệt giải hoàn toàn.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã không chỉ làm sáng rõ những giai đoạn hình thành, biến đổi của di tích mà còn xác định được cụ thể quy mô, kết cấu, vị trí, kích thước và tính chất của từng công trình kiến trúc trong tổng thể khu di tích. Đây là cơ sở hết sức quan trọng và cần thiết để các nhà thiết kế, trùng tu, tôn tạo làm căn cứ lựa chọn mặt bằng, định hướng những giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích sau này.

Qua kết quả thu được, các nhà khảo cổ đề xuất cần thiết kế tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng Hải Vân Quan và THĐNHQ cũng như các công trình bên trong khu di tích. Phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng Thần công, bậc cấp, đường đi qua hai cổng. Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan và thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích. Nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ. Xem nó như là những chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích. Bên cạnh đó, cần tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Dung khẳng định việc tôn tạo, phục hồi nguyên trạng di tích Hải Vân Quan là hết sức cần thiết, đây cũng là biểu tượng của sự đoàn kết, hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.

Di tích Hải Vân Quân được xếp hạng Di tích Lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia vào tháng 4/2017.

Tác giả: Vũ Lê

Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP