Giếng Vàng Cẩm Xuyên nằm tại làng Gia hội, phủ Hà Hoa, tổng Văn Tán, nay là tổ dân phố 15, thị trấn Cẩm Xuyên. Thời vua Minh Mạng (1820-1840) đặt tên giếng Kim Tĩnh tức Giếng Vàng vì có nguồn nước tốt. Đến triều vua Bảo Đại (1926-1945), Giếng Vàng được trùng tu và cho đến nay, với bao biến cố của thời gian nhưng nguồn nước vẫn trong và mát. Sự tích Giếng Vàng không có nhiều trong sử sách, chỉ được truyền tụng, nhưng vô cùng ý nghĩa đối với cuộc sống của người dân quanh vùng, khi tạo hóa ban cho nguồn nước từ Giếng Vàng. Trước đây khi bàn về duy tu, hay nâng cấp Giếng Vàng, một số người dân cho là hoạt động mê tín, họ chỉ công nhận nguồn nước như là một sự tự nhiên. Thời gian trôi đi qua, chúng tôi lớn lên, đi xa và cũng chỉ biết vậy.
Cần bảo tồn nguồn nước
Tôi được tham gia đoàn đi tìm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập theo Công văn 3559/UB-VX ngày 19/12/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh giúp đỡ tìm kiếm mộ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập. Vậy tại sao lại có đề nghị của tỉnh Hà Tĩnh? Xin được nói thêm là quá trình khởi xuớng đi tìm hài cốt cố Tổng bí thư do họ Hà trực tiếp thực hiện, với sự trợ giúp của 3 nhà ngoại cảm, chỉ đạo cụ thể là cụ tổ họ Hà là cụ Hà Mại (1336-1411) tính đến nay là 21 đời. Thực ra thì con cháu của họ Hà đã đi tìm mộ cố Tổng bí thư từ năm 2002, 2005 nhưng đến năm 2008 mới thực sự được vào cuộc, phải đảm bảo đủ các điều kiện: tướng, hiệu, diệu, binh mới làm được trận đồng đình. Theo lý giải của nhà ngoại cảm thì cố Tổng bí thư là người của tổ chức nên phải có tổ chức đứng ra làm việc này. Trong khi đó, các tổ chức của Nhà nước thì không được phép nên UBND tỉnh đã nhờ đến Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh là vậy. Đó là nguyên nhân để Công văn 3559 ra đời. Cũng xin được nói thêm là tư liệu trong cuốn “Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập” do Hà Huy Lợi chủ biên có nêu người hâm mộ cố Tổng bí thư như Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam là chưa đầy đủ và chính xác. Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam thay mặt Hội Đồng hương tham gia đoàn tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư theo đề nghị của người âm họ Hà, một số lần vắng mặt, cụ tổ Hà Mại nhắc đến người họ Nguyễn đâu rồi. Trong cuộc tìm kiếm này, ý của cụ tổ họ Hà là có người ngoài họ tham gia thì khách quan, thuyết phục hơn và cũng liên quan đến Bình Ngô Thượng Tướng Quân Nguyễn Biên là Thành hoàng của huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Trước khi đưa mộ cố Tổng bí thư về quê, cụ tổ Hà Mại yêu cầu phải có lời với Bình Ngô Thượng Tướng Quân Nguyễn Biên, nên cả đoàn tìm kiếm, sau đó đã tìm đến động Choác là có lý do đó.
Trở lại vấn đề liên quan đến Giếng Vàng, xin được nêu ý kiến của cụ tổ Hà Mại trong lần tiếp xúc tại nhà lưu niệm cố Tổng bí thư tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên tối 8-10-2009 (20-8 âm lịch). Cụ tổ Hà Mại nói rằng huyện Cẩm Xuyên, vùng đất này có 4 nơi cần phải lưu tâm đó là Động Choác, hang vua Hồ Quý Ly, lăng mộ Bình Ngô Thượng Tướng Quân Nguyễn Biên và Giếng Vàng. Nếu không quan tâm đến các di tích nêu trên và đặc biệt là nguồn nước Giếng Vàng đang bị ô nhiễm thì cả vùng quê sẽ nghèo đói và không vực dậy được. Giếng Vàng có nguồn nước trong mát, các cô tiên vẫn tắm ở giếng, bên giếng có một cây to là nơi nghỉ ngơi của các tiên cô. Linh thiêng của giếng là nguồn nước chứ không phải tô vẽ ở giếng. Lâu nay không ai quan tâm nên nguồn nước bị ô nhiễm, cần sớm có biện pháp làm trong sạch nguồn nước và bảo tồn. Thần nói với người họ Nguyễn ở đây (chỉ mặt Nguyễn Xuân Lam) lưu ý và đề nghị với người có chức vụ quyền hạn lưu tâm, thực hiện.
Sự ra đời của “khách sạn” Giếng vàng
Giếng Vàng Cẩm Xuyên được nhắc đến như là một sự giao phó, truyền đạt ý kiến của cụ tổ Hà Mại. Năm 2009, sau nhiều lần về Cẩm Xuyên, tôi quyết định mua mảnh đất ở ngã 4 nơi có mạch nước Giếng Vàng chảy qua để xây nên ngôi nhà 5 tầng, đặt tên là khách sạn Giếng Vàng. Với tâm niệm để người dân và đặc biệt là người xa quê nhớ về Giếng Vàng với bao kỷ niệm xưa và để giữ gìn tôn tạo, việc đầu tiên là phải có tên Giếng Vàng, như là một sự nhắc nhở di tích cần được người dân và các cấp chính quyền quan tâm đúng mức. Sau 2 năm nhắc đến Giếng Vàng, ngày 20-11-2012, bà con tổ 15 với sự chủ trì của cấp ủy, tổ dân phố, chính thức huy động nguồn lực, trực tiếp tu bổ và tổ chức khánh thành tôn tạo Giếng Vàng. Tại cuộc khánh thành, người viết đã gửi tâm thư đến người có trách nhiệm là di tích Giếng Vàng ngoài việc tôn tạo trên bề mặt, thì việc quan trọng là phải giữ gìn nguồn nước không bị ô nhiễm. Đây là công việc có ý nghĩa nhất về Giếng Vàng, nhưng cũng là khó khăn nhất.
Thị trấn Cẩm Xuyên đã được thành lập từ lâu nay, có đường phố mang tên bí thư đầu tiên của huyện, nhưng tại trung tâm chưa có hệ thống thoát nước. Toàn bộ nước thải của khu dân cư tập trung về vùng trũng, không có hệ thống thoát nước nên mỗi nhà đều phải tự cho thấm vào lòng đất, ô nhiễm là điều tất nhiên và ngày càng trầm trọng. Về lâu dài mạch nước Giếng Vàng cũng không thể nào tránh được việc bị nhiễm bẩn. Năm 2010, người viết đã lấy nước ở khách sạn Giếng Vàng vào xét nghiệm tại TP Hồ Chí Minh thì rất may là chưa có ô nhiễm, 37 chỉ tiêu hóa lý đều đạt tiêu chuẩn của nước sạch. Cũng thời gian đó nguồn nước ở một số khách sạn đang dùng ở khu du lịch Thiên Cầm lấy ở độ sâu 70m nhưng một số chỉ tiêu hóa lý không đạt tiêu chuẩn. Cũng xin được nói thêm là khi cụ tổ Hà Mại có ý kiến về ô nhiễm nguồn nước Giếng Vàng thì nhà ngoại cảm và những người trong đoàn đều chưa ai đến khu vực Giếng Vàng, ngoại trừ người chứng kiến quê ở Cẩm Xuyên cũng không hình dung đó là khu dân cư nhưng lại chưa có hệ thống thoát nước.
Thay lời kết
Vài chuyện về mạch nước Giếng Vàng kể trên liên quan đến ô nhiễm môi trường của khu dân cư tại tổ 15, thị trấn huyện Cẩm Xuyên, xem như một câu chuyện tình cờ của người xa quê được biết trong thời gian tham gia trong đoàn tìm kiếm hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập.
Câu chuyện chắp nối nhưng phù hợp với thực tế là khi thành lập khu dân cư, các cơ quan liên quan không thiết kế, thi công hệ thống thoát nước tại thị trấn của huyện là chuyện đáng suy ngẫm. Câu hỏi tiếp là tại sao từ lâu người dân đã có ý kiến, các ban ngành, hội đồng nhân dân huyện đã có chất vấn nhưng vẫn chưa được ban dự án quan tâm và chưa có kế hoạch triển khai lại càng lạ lùng hơn.
Câu trả lời xin dành cho ban quản lý dự án UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh./.