Người đương thời

Giang hồ nghĩa hiệp và con đường phục thiện lạ kỳ bên dòng Lam giang

Gã, 50 tuổi, đã một thời ngang dọc tung hoành, tuổi trẻ ngang tàng và phóng khoáng được đánh dấu bằng thành tích bất hảo 3 lần vào tù ra tội.

Nhưng gã biết quay đầu hoàn lương nhờ tình yêu, và sống lương thiện bằng một quán cơm phục vụ xe khách Bắc – Nam bên quốc lộ 1A. Hơn 2 năm nay, gã tự bỏ tiền ra xây miếu thờ những nạn nhân xấu số tử nạn bên dòng Lam giang trong vụ trôi xe khách kinh hoàng làm 19 người thiệt mạng, ngày ngày hương khói cho những linh hồn xấu số. Gã là Trần Văn Thành, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).




Tôi ngồi với gã trong một ngày mưa gió sầm sập, miền Trung đang quăng quật với hậu của cơn bão số 10. Song bất luận gió mưa, quán cơm mang tên hai vợ chồng Thành Thủy của gã vẫn tất bật với thực khách, những chuyến xe chậm chậm tấp vào, ăn uống rồi lặng lẽ lao ra, xé màn mưa lầm lũi hành trình, trong khi những quán cơm khác bên cạnh cũng dựng biển hoành tráng nhưng lưa thưa khách đến.


Gã bảo, vấn đề là thương hiệu, hơn chục năm nay, gã cùng vợ chung lưng đấu cật gây dựng nên được quán ăn này, với mục tiêu là phục vụ cánh xe tải, khách đi đường trên chặng hành trình Bắc – Nam. Kiếm tiền nhưng không bằng mọi giá, nên phải làm sạch sẽ, nấu ăn ngon để tạo dựng thương hiệu. Vợ chồng gã đã làm được điều đó, ít ra là cho đến thời điểm này.


Một thời khuấy nước chọc trời


Gã 50 tuổi, gần như đã trải qua mọi cung bậc hỉ nộ ái ố của đời người. Tuổi thơ dữ dội, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Xuân Lam, tuổi thơ gắn với nhiều kỷ niệm bên dòng Lam giang hiền hòa uốn lượn. 10 tuổi, chính thức thất học bởi ông bố nát rượu, chỉ biết tối ngày trà dư tửu hậu, say vào là đánh mắng vợ con chứ không làm tròn trách nhiệm của người trụ cột gia đình.


Không sống được với nỗi ám ảnh đè nặng ấy, Trần Văn Thành bỏ nhà đi bụi, tuổi trẻ, không nghề nghiệp, thiếu kinh nghiệm sống nên đời đã quăng quật cậu bé 10 tuổi vào những vòng xoáy ma mị, trước hết là bi kịch mưu sinh. Rời nhà chưa đến một tuần, không đồng xu dính túi, để kiếm cái ăn, Thành làm liều nhập nha trộm tài sản đem bán, chẳng may bị bắt quả tang và phải vào trại tập trung sau khi được gia đình bảo lãnh.


Ra trại, không những không tỉnh ngộ mà với những gì học được trong thời gian chấp hành án phạt, gã trở nên lì lợm, liều lĩnh hơn. 15 tuổi, Trần Văn Thành đã cầm đầu một băng nhóm thanh niên choai choai chuyên ăn bay trên quốc lộ 1A đoạn qua cầu Bến Thủy để vào địa phận Hà Tĩnh. Gã không cướp giật, trộm cắp mà đu mình lên các chuyến xe tải rồi dùng dao cắt dây buộc hàng, thả các thùng hàng trên những kiện hàng trong các container.


Một thời gian dài, băng cướp tuổi teen với cách thức hoạt động liều lĩnh này luôn là nỗi kinh hoàng cho các bác tài khi phải vi hành qua đây một mình trong đêm vắng. Có những bác tài phát hiện ra bị cướp hàng, dừng xe lại liền bị gã tổ chức đánh phủ đầu. Cho đến lúc gã quá nặng tay trong một phi vụ, khi khoắng gần nửa xe hàng nên bị công an vào cuộc. Rất nhanh chóng, gã và nhóm đồng phạm bị bắt, bị kết án tù, thụ án tại trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình).


Người khác thì không biết, nhưng với Trần Văn Thành, trong quan niệm của gã lúc bấy giờ, trại giam không phải là nơi để cải tạo, tìm lại chính mình mà cứ sau mỗi lần từ trại giam trở về là gã lại càng nghênh ngang hơn khi có thêm thành tích số má. Bởi vậy nên từ sau khi đi trại lần thứ 2 trở về, gã lại càng ngông nghênh hơn. Nhưng rồi, có một biến cố trong cuộc đời đã làm đổi thay suy nghĩ của gã. Ấy là năm 19 tuổi, trong một lần ra thành phố Vinh, ghé uống nước dạo tại một quán ăn tại thị trấn Xuân An, gã gặp người phụ nữ của đời mình.


Lê Thị Thủy, 17 tuổi, con gái của chủ quán ăn đã làm gã liêu xiêu, hai người gặp nhau lần đầu tiên đã vướng phải tiếng sét ái tình. Nhưng khi biết gã là giang hồ thứ thiệt, bố mẹ Thủy cấm cửa. Gã không dễ buông xuôi, kiên trì với tình yêu đầu đời của mình, đến lúc bố mẹ cô gái làm căng quá, gã quyết định tung con bài át chủ, ấy là rủ người yêu bỏ trốn. Đến nước này thì bố mẹ Thủy đành phải xuống nước, tổ chức cho hai đứa thành thân. Chuyện kể thì mới vậy nhưng cũng đã hơn 30 năm, hai vợ chồng giờ đã lên chức ông nội, bà nội. Song nhiều khi gợi nhắc lại chuyện ngày quá khứ, gã cứ thấy vui vui.


Vòng đời luẩn quẩn gã chưa dừng lại ở đó, lấy vợ sinh con rồi vẫn tiếp tục làm giang hồ. Và gã thêm một lần xộ khám vì hành vi cố ý gây thương tích. Có điều, từ sau lần đi tù thứ 3 trở về, gã đã suy ngẫm về cuộc đời rất nhiều. Nhất là biến cố vào năm 2006, trước lúc lâm chung, ông cụ thân sinh đã cầm tay gã dặn dò, phải chọn cách sống lương thiện để tích đức cho con cháu sau này. Gã suy nghĩ mãi về điều đó, và quyết định thay đổi đời mình. Còn bao nhiêu vốn liếng, gã bàn với vợ dốc sạch mở quán cơm ven đường.


Miếu thờ bên sông Lam do anh Thành bỏ tiền ra xây dựng.


Bấy giờ, vấn nạn “cơm tù” đang hoành hành, hành hạ thực khách trên mỗi chuyến hành trình từ Bắc chí Nam. Gã quyết không làm vậy, không móc nối với tài xế như bao người khác để móc túi hành khách mà gã kinh doanh sạch, tự mình gây dựng thương hiệu để sống được với nghề của mình. Bao nhiêu năm qua, Thủy Thành quán đã làm được điều đó và kinh doanh có lãi, đủ nuôi sống cả gia đình.


“Ông từ” trông coi miếu thờ bên dòng Lam giang


Trần Văn Thành kể, cuộc đời anh sẽ chẳng có thêm chuyện gì khác biệt, đặc biệt hoặc dị biệt hơn nữa nếu như không có biến cố xảy ra chuyện chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh vào trận lũ lịch sử năm 2010. Tháng 10 năm đó, bất chấp quốc lộ 1A nước dâng ngập, tài xế điều khiển xe khách BKS 48K – 5868 vẫn tông nghiêng barie chắn đường, liều lĩnh vượt lũ trong đêm và hậu quả là bị lũ cuốn ra sông Lam, làm 19 người thiệt mạng. Đoạn xảy ra tai nạn chỉ cách quán cơm của vợ chồng gã chưa đầy 100m.


“Ngày xảy ra tai nạn, tôi đang ốm nặng phải nhập viện điều trị. Nhưng khi hay tin xảy ra, dù đang rất mệt song bản thân vẫn gắng gượng đến hiện trường, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân. Và khi thi thể của các nạn nhân xấu số được vớt ra khỏi xe, đưa lên nằm ở doi đất ven đường, tôi thấy thương vô cùng, ám ảnh về cái chết, về nỗi cô độc của lữ khách khi chẳng may phải nằm lại trong chuyến hành trình mệt mỏi của đời người”, gã trầm ngâm.


Những ngày sau đó, gã thường chứng kiến cảnh người đi đường qua nơi hiện trường vụ trôi xe, dừng lại thắp hương, đốt vàng mã cho các nạn nhân yên nghỉ nhưng lại không có chỗ để làm lễ. Hương, sau khi đốt lên được thả xuống dòng nước, còn vàng mã thì gió thổi bay mất, gặp hôm mưa ướt sạch, trông rất xót xa. Bận ấy, gã đang xây lại nhà, thấy cảnh ấy nên bàn với vợ bỏ ra ít tiền xây cái miếu thờ cho các nạn nhân. Bà Thủy, sau giây phút lăn tăn tiền bạc, rốt cục cũng đồng ý. Kinh phí ban đầu dự tính khoảng 5 triệu, nhưng khi làm xong thì phát sinh gần 10 triệu.


Ngày gã lúi húi xây miếu thờ, cũng có nhiều người qua đường cảm kích, dừng lại thắp hương và đóng góp tiền để làm việc thiện. Miếu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có mái che mưa nắng và rất nhiều bát nhang. Cạnh đó là một tấm bia lớn, nổi bật khắc tên tuổi các nạn nhân xấu số. Từ ngày miếu thờ được xây dựng nên, rất nhiều người đã đến thăm viếng, hương hoa.


Cảm kích trước việc làm của gã, một chủ xưởng đá mỹ nghệ đã tặng một đôi ghế đá để khách qua đường có thể ngồi. Một người khác giấu tên ở TP Vinh (Nghệ An) tặng một cây bàng trồng bên cạnh làm bóng mát che chở cho những linh hồn bất hạnh. Mỗi ngày, đều đặn hai buổi sáng chiều, Thành lặng lẽ quét dọn quanh miếu, thắp hương và làm vệ sinh, sắp xếp lại mọi thứ thật gọn ghẽ. Hôm nào anh mệt hoặc bận công việc thì nhờ vợ con làm thay.


Trần Văn Thành chia sẻ thêm, từ hồi có miếu, gã cũng đã nhận được không ít điều tiếng, thị phi từ miệng lưỡi thế gian. Xuất phát từ chuyện nhiều người mỗi lần thắp hương, đều dúi vào tay gã tiền, hoặc để lại bên miếu khi không gặp, nên gã nghe lời khuyên của nhiều người, đặt cái thùng cạnh miếu để mọi người bỏ tiền vào đấy khi có lòng. Số tiền ấy, gã đón nhận, ghi chép cẩn thận và dùng để mua hương hoa, một phần sửa sang lại miếu thờ.


Ấy vậy mà có kẻ ganh ghét, đặt điều cho rằng gã đặt hòm công đức để trục lợi. Đến mức, gã phải lên xã trình diện, và cho người đứng miếu để thu, trong nhiều ngày liên tiếp mới được mấy chục ngàn tiền lẻ, thì họ mới nản và thôi đơm đặt. Lại nữa, có kẻ thọc mạch, còn cho rằng xây miếu bên quốc lộ gây ách tắc giao thông khi mọi người qua lại để thắp hương. Song, gã cho biết, cạnh miếu là tấm biển cảnh báo giao thông, mọi người rất có ý thức.


Gã tâm sự, từ ngày có miếu, gã tin những linh hồn xấu số đã được an ủi và siêu thoát, bớt phần cô quạnh. Bản thân gã cũng sống thiện hơn, mỗi lần bức xúc chuyện gì đó, gã lại ra làm công việc dọn dẹp miếu để ổn định lại tâm tính. Với gã, những việc làm của mình, trong suy nghĩ của không ít người là gàn, là dở, song gã vẫn tin rằng, đó là cách để trả nợ đời, sau tất thảy những phiền toái mà mình đã gây ra trong quá khứ


Thiện Thành

CAND

  Từ khóa: Con đường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP