Văn hoá Dân gian

Giám đốc sở VH,TT&DL Hà Tĩnh: Bảo tồn dân ca ví giặm phải căn cứ vào thực tiễn

Dân ca ví giặm Nghệ – Tĩnh đang hồi sinh và đứng trước cơ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tuy nhiên, làm thế nào để di sản giá trị đặc sắc này sống lại thực sự trong đời sống tinh thần của cộng đồng là vấn đề mà các nhà quản lý, các nhà chuyên môn hiện đang trăn trở. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh trước thềm lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa quốc gia…

Thưa TS Võ Hồng Hải, ông có thể cho biết đánh giá của mình về sự “hồi sinh” hiện nay của dân ca ví giặm cũng như những khó khăn lâu dài cho việc bảo tồn, phát huy loại hình dân ca độc đáo này?


TS Võ Hồng Hải: Văn hóa dân gian vốn như một mạch ngầm, vấn đề của những người làm quản lý là biết cách khơi nguồn và nuôi dưỡng dòng chảy. Từ khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) ra đời, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói chung, các vùng miền, địa phương nói riêng thật sự được quan tâm hơn. Nhưng đúng là vài năm gần đây, từ khi có chủ trương kiểm kê kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, tiến hành lập hồ sơ khoa học công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cao hơn là vinh danh ở tầm nhân loại…, dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh đã phục hồi trong đời sống nhân dân.


Tuy nhiên, tất cả chỉ mới là bước khởi đầu, hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nghệ nhân cao tuổi ngày càng ít, môi trường diễn xướng hầu như không còn, và nhất là kinh phí bảo tồn, làm thế nào để người dân giữ gìn di sản thì họ phải được hưởng lợi… đó là những điều mà chúng tôi trăn trở.


Theo tôi, phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để vận dụng quan điểm bảo tồn thích hợp và hiệu quả nhất.


Ông có thể cho biết đánh giá của mình về những giá trị tiêu biểu, độc đáo cũng như khả năng đạt được danh hiệu do UNESCO công nhận?


Với riêng tôi, từ tích lũy tri thức của nhiều học giả và qua khảo sát, điền dã, tham gia lập hồ sơ khoa học cũng như trải nghiệm trong công tác quản lý, tôi thấy nổi lên năm đặc điểm vừa là giá trị tiêu biểu, cũng đồng thời là sự độc đáo, khác biệt của dân ca Nghệ Tĩnh. Người Nghệ Tĩnh có thể hát dân ca quanh năm, suốt tháng và bất cứ nơi đâu vì dân ca gắn bó hết sức máu thịt với đời sống tinh thần, sinh hoạt xã hội, lao động sản xuất. Ngoài chủ thể chính là người dân lao động, dân ca ví giặm được tầng lớp nho sĩ, trí thức tham gia tích cực vào việc hát và sáng tác, tiêu biểu như Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Phan Bội Châu… Ngôn từ trong dân ca Nghệ Tĩnh vừa mộc mạc, đầy thổ ngữ, phương ngữ, vừa hết sức chắt lọc, tinh diệu; nhiều câu ca đã trở thành những câu thơ, bài thơ tuyệt tác. Hơn nữa, dân ca ví giặm có khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh, tình huống do tính chất ứng biến cao. Vì vậy, ví giặm Nghệ – Tĩnh ngoài những giá trị khác có thể coi như một phương tiện tuyên truyền văn hóa hết sức hữu ích, đắc dụng. Đây là mạch nguồn dồi dào nhất để nhiều nhạc sĩ phát triển thành những ca khúc “đi cùng năm tháng”…


Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, Ủy ban UNESCO Việt Nam, hiện hồ sơ khoa học “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” đã trình lên UNESCO. Chúng tôi rất tin tưởng rằng UNESCO sẽ sáng suốt lựa chọn ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

HỒNG MINH (Thực hiện)

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP