Văn hoá Dân gian

Gặp gỡ người mang Truyện Kiều đến Hunggary

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Trương Đặng Dung, người đạt giải thưởng thơ của Hội nhà văn năm 2011, cũng là người dịch tập thơ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra tiếng Hunggary kéo liền hai nền văn hóa của hai nước lại với nhau.

Gặp gỡ người mang Truyện Kiều đến Hunggary

Thời gian qua đã có nhiều niềm vui lớn đến với nhà thơ, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung, bên cạnh giải thưởng của Hội nhà văn ông còn được Tổng thống Hungary trao tặng huân chương chữ thập vàng nhằm ghi nhận sự nghiệp truyền bá văn hóa Hungary thông qua hoạt động văn học, dịch thuật.

Phóng viên Một Thế Giới có cuộc trò chuyện với PGS Trương Đăng Dung xung quanh việc dịchTruyện Kiều ra tiếng Hungary.
Trương Đăng Dung thời trẻ, khi dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary
* Được biết thời trẻ, ông đã làm 1 việc rất có ý nghĩa là dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary. Vậy động lực nào giúp ông làm công việc đó?

Tôi tốt nghiệp Khoa ngữ văn Đại học Budapest, về nước vào năm 1978 và làm việc tại Viện Văn học được 3 năm thì tôi được cử  sang Hungary tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Khi lên máy bay trở lại Hung, tôi đã quyết định dịch Truyện Kiều sang tiếng nước này. Ước mơ ấy được ấp ủ từ những năm tôi còn là sinh viên năm cuối của trường Đại học. Trong những năm tháng học ở Hungary tôi nhận thấy đất nước này đã giới thiệu và dich được nhiều tác phẩm lớn của nền Văn học thế giới. Vậy mà một tác phẩm lớn như Truyện Kiều của chúng ta lại vẫn chưa được dịch.

Có thể nói trong suốt thời kỳ xảy ra chiến tranh ở Việt Nam, người nước ngoài và người Hungary ít biết đến những thành tựu văn hóa của Việt Nam. Hơn nữa, sống và làm việc ở một đất nước có nhiều điều kiện để truyền bá các giá trị văn hóa như ở Hungary nên tôi không thể không làm điều gì đó để truyền bá văn hóa nước mình.

Một lý do nữa là tại thời điểm đó, Truyện Kiều của Việt Nam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp…. Tại nước Hungary, người ra cũng có ý định dịch Truyện Kiều gián tiếp từ bản dịch bằng tiếng nước ngoài. Nhưng nếu tôi không trực tiếp làm công việc này mà để cho người ta dịch như thế thì tôi sẽ có lỗi với 1 tác phẩm lớn của dân tộc.
Văn bản Truyện Kiều được Giáo sư Trương Đăng Dung dịch  ra tiếng Hungary

* Ông có thể chia sẻ đôi điều về những công việc khó khăn này?

Ngoài thời gian nghiên cứu và học tập, thay vì lăn lộn mưu sinh như những người bạn khác, tôi tranh thủ thời gian dịch Truyện Kiều theo hợp đồng đã ký với nhà xuất bản châu Âu. Đó là một công việc thực sự vất vả của tôi khi ấy bên cạnh việc nghiên cứu khoa học. Có ngày tôi chỉ dịch được vài ba câu. Cái khó của công việc này là ở nó không đơn thuần là chuyển ý nghĩa của một văn bản ngôn ngữ này sang văn bản ngôn ngữ kia. Mà nó là sự chuyển dịch tâm thức của một nên văn hóa này sang nền văn hóa khác. Vì thế song song với công việc dịch thuật, tôi lại phải nghiên cứu một các sâu sắc hơn về lịch sử văn học, tư tưởng cũng như các thành ngữ, tục ngữ của Hungary.
Tôi may mắn được nhà xuất bản EURUPA giới thiệu với tôi một nhà thơ của đất nước họ. Đó là Tandori Dezso một người rất nổi tiếng từng dịch tác phẩm của Nguyễn Trãi sang tiếng Hungary. Chính ông là người đã giúp cho bản dịch Truyện Kiều của tôi trở nên đẹp hơn trong ngôn ngữ Hungary. Chúng tôi đã tạo ra một thể thơ mới rất giống với thể thơ lục bát cũng có vần lưng. Nhất là ngoài phần dịch thơ thì phần chú thích đối với tôi là một công trình khoa học thực thụ với rất nhiều nghiên cứu và  tập hợp tư liệu.

* Vậy thông điệp nào là quan trọng mà ông muốn chuyển sang tiếng Hungary trong bản dịch của mình?

Tôi nghĩ đối với người châu Âu thì vấn đề về thân phận con người, mối quan hệ giữa các giá trị tôn giáo, vấn đề về hạnh phúc các nhân và hạnh phúc cộng đồng… Là những vấn đề quan trọng mà người ta cảm nhận được về Truyện Kiều. Ba lý do này làm cho Truyện Kiều luôn luôn hiện đại và luôn có ý nghĩa trong đời sống văn hóa.

* Sự động viên có ý nghĩa nhất với ông lúc đó là gì?

Đó là vợ tôi. Ở nhà, cô ấy thấu hiểu công việc và những khó khăn của tôi và luôn nói với tôi rằng: Anh hãy làm những điều gì mà anh thấy điều đó có ý nghĩa với cuộc sống của mình… Đó là những lời động viên có nghĩa nhất mà tôi nhận được từ vợ tôi đã cho tôi thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục hoàn thành công việc… Ngoài ra, tôi cũng nhận được sự động viên của một vài người bạn của tôi ở Hungary khi đó.
Hình minh họa Truyện Kiều trên chất liệu giấy điệp

* Ông có thể kể thêm về những kỷ niệm thời điểm sau khi mà tác phẩm Truyện Kiều được ông chuyển thể sang tiếng Hung thành công không?

Sau khi tác phẩm được dịch xong, nhà xuất bản đã đề nghị tôi cho phép một người họa sĩ Hungary vẽ tranh minh họa cho tác phẩm Truyện Kiều nhưng tôi không đồng ý. Mà tôi nhờ người trong nước gửi sang những bức tranh dân gian vẽ Truyện Kiều trên chất liệu giấy điệp. Chính điều này khiến cho bản Truyện Kiều đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Sau khi về nước và tôi đi làm việc ở viện văn học. Năm 1984, tôi nhận được 3 bản Truyện Kiều của nhà xuất bản châu Âu gửi, tôi đã trào nước mắt vì xúc động trước cổng Viện văn học. Lúc đó, nguyên viện trưởng Viện văn học Hungary Klocniczay Tibor đã viết thư chúc mừng tôi và hỏi rằng: “Tại sao một tác phẩm lớn như thế mà đến bây giờ chúng tôi mới được đọc?”.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và kính chúc PGS sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Nguyễn Nhàn – Dạ Thảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)

  Từ khóa: Hunggary , gặp gỡ , Truyện Kiều

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP