Tài không đợi tuổi
Những ngày đầu năm 2017, khi biết đến câu chuyện của đôi bạn trẻ Minh Phương và Đức Anh, PV báo Người đưa tin không khỏi tò mò trước sáng kiến độc đáo này.
Tìm về ngôi trường chuyên Hạ Long đầy truyền thống, khi tôi dò hỏi, ai ai cũng biết đến “máy chống say” này. Gặp PV sau giờ học, đôi chút mệt mỏi trên gương mặt hai bạn trẻ, nhưng tôi vẫn cảm nhận được một niềm vui luôn hiện hữu trên ánh mắt của các em.
Kể về ý tưởng, bạn Phương chia sẻ, do nhà ở xa nên bạn phải đi xe khách nhiều để di chuyển. Nhiều lần bạn thấy tài xế lái xe có dấu hiệu say rượu (nồng mùi rượu, bia), mặc dù bạn có phản ánh nhiều nhưng không có kết quả. Phương thấy điều này rất nguy hiểm đối với hành khách khi xe chạy đường dài mà tài xế trong trạng thái gần như không tỉnh táo nên bạn rất lo lắng cho an toàn của mọi người và của bản thân.
Đôi bạn trẻ Đức Anh – Minh Phương. |
“Vào các buổi chào cờ, các buổi sinh hoạt lớp, các thầy cô giáo thường xuyên tuyên truyền cho học sinh về Luật giao thông, nhắc nhở chúng em phải nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, đồng thời qua tìm hiểu, chúng em cũng được biết phần lớn những nguyên nhân gây tai nạn là do rượu bia. Do đó chúng em nghĩ phải làm thế nào để tạo ra một thiết bị có thể hạn chế, hay nói chính xác hơn là kiểm soát người lái xe có tình trạng rượu bia khi tham gia lưu thông trên đường”, Phương cho biết.
Tình cờ, Minh Phương và Đức Anh gặp nhau trong buổi giới thiệu về cuộc thi khoa học kỹ thuật và hai bạn được làm việc chung một nhóm. “Trong quá trình phát triển đề tài, chúng em có tìm hiểu nhiều tư liệu thì phát hiện có nhiều trường hợp xe gặp tai nạn mặc dù không phải do rượu bia nhưng có thể ở nơi hẻo lánh, hoặc đường đi khó khăn, đội cấp cứu không thể đến nhanh chóng gây ra nhiều điều đáng tiếc”, Phương tâm sự.
Từ đó, đôi bạn trẻ đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để tạo ra một thiết bị vừa kiểm soát lái xe uống rượu bia tham gia giao thông, vừa có thể phát ra tín hiệu khi xe xảy ra tai nạn để cơ quan chức năng hay gia đình,… có thể cứu nạn nhân kịp thời, bởi tính mạng con người là rất quan trọng. Do đó, ý tưởng về hệ thống thông minh kiểm soát người lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông và cảnh báo va chạm trên ô tô đã được hình thành”.
Chắc chắn, đối với mỗi sáng chế khoa học, không vướng khỏi những khó khăn. Đức Anh nói: “Trong quá trình làm, chúng em gặp cũng khá nhiều khó khăn, điển hình như: Lĩnh vực chúng em thi là Hệ Thống Nhúng, là lĩnh vực mới hoàn toàn nên lượng kiến thức cũng như tài liệu, nguồn tham khảo rất khó thực hiện. Hầu hết tài liệu chúng em tìm được đều là tiếng nước ngoài, chủ yếu là ngôn ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Do chúng em mới tiếp xúc làm quen nên trong lúc lắp ráp mạch hay đấu nối mạch điện còn bị hỏng, cháy nhiều thiết bị”.
“Ban đầu khi mới bắt đầu lên ý tưởng, hoàn thiện đề tài, chúng em cũng tương đối khó khăn khi cân đối giữa việc học và nghiên cứu khoa học. Buổi sáng, chúng em vẫn phải hoàn thành việc học trên lớp. Còn buổi chiều và tối hoặc những hôm có thời gian rỗi, chúng em sẽ cùng học trên phòng nghiên cứu của trường. Chúng em vừa phải nắm được kiến thức các môn trên lớp đầy đủ vừa phải nghiên cứu, tìm hiểu những kiến thức phục vụ cho việc hoàn thiện đề tài”, Minh Phượng cho hay.
“Tuy nhiên, đồng hành với chúng em luôn có gia đình, thầy cô hướng dẫn và nhà trường. Gia đình ủng hộ chúng em trên mặt tinh thần, vật chất, tạo mọi điều kiện cho chúng em. Thầy cô hướng dẫn hết sức tận tình, bổ trợ thêm kiến thức để giúp chúng em thực hiện đề tài. Nhà trường tạo điều kiện cho chúng em khảo sát trực tiếp, lấy dẫn chứng tại nhiều nơi để thu thập tài liệu, như sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, sở Giao thông và Vận tải,… Bạn bè, gia đình, thầy cô cũng động viên chúng em rất nhiều trong suốt quá trình hoàn thành đề tài để chúng em có niềm tin, tập trung nghiên cứu để tạo ra sản phẩm tốt nhất mang ý nghĩa nhân văn đưa vào đời sống”, Đức Anh kể về “hậu phương” của mình.
Tiếp tục hoàn thiện để đi vào thực tế
Hai em cho biết, vì kỳ thi đại học sắp đến gần nên Minh Phương và Đức Anh cũng không còn nhiều thời gian để cùng nhau nghiên cứu những sản phẩm mới. Trong thời gian tới, đôi bạn trẻ sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển một số chức năng của đề tài một cách tối ưu nhất để sản phẩm “Hệ thống thông minh kiểm soát người lái xe uống rượu bia và cảnh báo va chạm trên ô tô” được ứng dụng thực tế, có ý nghĩa thực tiễn vào đời sống, ngăn chặn người lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông.
“Nếu có cơ hội, chúng em vẫn sẽ tiếp tục tham gia một số cuộc thi khác về khoa học kỹ thuật và có những định hướng cho những đề tài mới tiếp theo”, Phương chia sẻ.
Trường THPT chuyên Hạ Long. |
Nói về dự định trong kỳ thi THPT sắp tới, Phương nói: “Hiện tại, sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017, chúng em vẫn đang tích cực học tập, rèn luyện, tích lũy, trau dồi kiến thức để có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi đại học. Trong tương lai, em dự định sẽ thi vào đại học Bách Khoa để tiếp tục với niềm yêu, niềm say mê nghiên cứu khoa học, giúp đỡ các bạn trẻ để các em có thể bộc lộ khả năng tìm tòi, khám phá khoa học, phát huy khả năng của mình. Còn bạn Đức Anh sẽ thi vào đại học Ngoại thương, khoa Kinh tế đối ngoại để thực hiện được ước mơ của mình”.
Sau 1 tiếng trò chuyện với PV, hai bạn lại tiếp tục công việc ôn luyện cho kỳ thi THPT sắp tới. Hai em dự định sau kỳ thi này, sẽ tiếp tục dành thêm thời gian để có thể sáng chế ra những sản phẩm mới có ích cho cộng đồng.
Trao đổi với PV, bà Bùi Hải Yến, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hạ Long cho hay: “Nhà trường đã tổ chức các chương trình trải nghiệm sáng tạo, tạo điều kiện cho học sinh hình thành các ý tưởng từ thực tiễn, đồng thời nhà trường cũng kết nối và đề nghị sự giúp đỡ từ các sở, ban, ngành trong tỉnh để giúp học sinh tìm hiểu về các lĩnh khác nhau”.
“Sau khi các em hình thành được ý tưởng, nhà trường sẽ phân công các giáo viên hướng dẫn, trợ giúp các em. Trong quá trình thực hiện đề tài, học sinh có thể tham gia sinh hoạt trao đổi trong kinh nghiệm trong câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật của nhà trường và tham gia các buổi tập huấn của các thầy cô giáo, các chuyên gia trong lĩnh vực KHKT do nhà trường tổ chức”.
Cơ chế vận hành của “cỗ máy diệu kỳ” Bộ điều khiển có nguồn lắp dưới sàn xe và một ống thổi đo nồng độ cồn đặt phía trên tấm kính chắn gió trước mặt lái xe. Trước khi khởi động xe, người điều khiển phải thổi vào ống thổi đo nồng độ cồn. Nếu phát hiện có nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe thì hệ thống sẽ ngăn chặn việc khởi động động cơ, các ứng dụng, tiện ích khác của xe cũng không hoạt động. Ngoài ra, hệ thống còn có cảm biến vân tay, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm kèm theo cảm biến nồng độ cồn để xác định người uống rượu chính là tài xế điều khiển xe, tránh việc tráo đổi giữa người thổi và người thực sự điều khiển phương tiện. |
Công Luân