Giáo dục

Gần 93% học trò mong thầy cô cười nhiều hơn

Trả lời câu hỏi “Học sinh cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi đến trường mỗi ngày?”, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Sư phạm TPHCM đã khảo sát trên học sinh THCS và nhận được kết quả bất ngờ.

Nghiên cứu này được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM công bố chiều 14/12 tại tọa đàm “Hành động vì hạnh phúc học sinh” với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và sinh viên.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM phát biểu tại toạ đàm

Ông Sơn cho biết, nghiên cứu này do ông và các cộng sự thực hiện dựa trên kết quả điều tra trên 181 học sinh THCS khối lớp 6, 7, 8 đã lựa chọn 10 điều mong đợi trong thang đo 76 điều được khảo sát.

92,8% học sinh mong muốn thầy cô sẽ cười nhiều hơn

Kết quả, có 92,8% học sinh mong muốn thầy cô sẽ cười nhiều hơn; 84% học sinh mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm gì sai. 82,4% mong muốn thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn bè hay nhiều người.

“Kết quả này phải chăng hiện nay vẫn còn những tiết học chủ nhiệm “hành hạ”, những giờ chào cờ đầu tuần mang tính chất căng thẳng thần kinh toàn thân?”, ông Sơn băn khoăn.

84% học sinh mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm gì sai

Tiếp đến, 82,4% học sinh muốn tổ chức học tập được xen kẽ với việc chơi, trao đổi, thảo luận; 75,4% các em cũng khẳng định thầy cô đừng cho học thuộc lòng nhiều quá. 74% em cũng muốn thầy cô đừng nhắc nhiều lần môn học này là môn rất quan trọng; 70,2% muốn thưởng điểm hay khen tặng và động viên nhiều hơn trách phạt; 66,3% muốn bớt đi bài tập về nhà nếu có thể; 62,4% muốn được tăng cường thực tế, khám phá thực tiễn, dã ngoại; 60% muốn chấp nhận những suy nghĩ hành vi chưa giống như người khác mong đợi.

82,4% mong muốn thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn bè hay nhiều người

82,4% học sinh muốn tổ chức học tập được xen kẽ với việc chơi, trao đổi, thảo luận

75,4% các em cũng khẳng định thầy cô đừng cho học thuộc lòng nhiều quá

74% em cũng muốn thầy cô đừng nhắc nhiều lần môn học này là môn rất quan trọng

70,2% muốn thưởng điểm hay khen tặng và động viên nhiều hơn trách phạt

66,3% muốn bớt đi bài tập về nhà nếu có thể

Theo ông Sơn, sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát trên đối tượng học sinh THPT. Đây sẽ là những nền tảng để nhóm nghiên cứu đề xuất những vấn đề thay đổi trong giáo dục.

62,4% muốn được tăng cường thực tế, khám phá thực tiễn, dã ngoại

60% muốn chấp nhận những suy nghĩ hành vi chưa giống như người khác mong đợi

Với chủ đề “Hành động vì hạnh phúc học sinh”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết tọa đàm diễn ra nhằm mục tiêu nhằm xác định “thực chất” hạnh phúc của học sinh hiện nay và những mong đợi của các em trong quá trình giáo dục và tự giáo dục. Từ đó, đề xuất những hoạt động cụ thể của các lực lượng giáo dục để hỗ trợ học sinh tích cực trong hành trình trưởng thành và tìm đến hạnh phúc song hành. Trên tinh thần đó, khẳng định về trách nhiệm của người lớn và của thầy cô đối với học sinh góp phần nâng cao giá trị đạo đức nghề giáo và trách nhiệm của nhà quản lý và các lực lượng có liên quan.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP