Lập tức, nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm vì trút được mối lo lớn. Song liền theo đó thì nhiều người cũng thắc mắc, thậm chí là phản ứng cách dùng từ “tiêu diệt” của báo chí và của cơ quan chức năng. Theo những người này, Tuấn “khỉ” có là kẻ thù của đất nước đâu mà lại tiêu diệt; từ dùng nghe có gì đó không nhân bản…
Về mặt ngữ nghĩa, “tiêu diệt” là làm cho mất đi, làm cho chết đi. Người ta thường dùng “tiêu diệt” trong “tiêu diệt bọn khủng bố”, “tiêu diệt quân xâm lược”…
Đối chiếu với các diễn tiến trong tối 13-2, là thời điểm lực lượng công an bí mật bao vây, xâm nhập khu vực Tuấn “khỉ” ẩn nấp để bắt bị can bị truy nã này thì từ “tiêu diệt” đã được dùng chưa phù hợp.
Cụ thể, theo xác định của một sĩ quan quân đội thì Tuấn “khỉ” là tay súng AK khá thuần thục. Trong quá trình bị truy bắt, Tuấn “khỉ” đã sử dụng súng AK chống trả quyết liệt, bắn ba phát vào lực lượng truy bắt (có một phát lép, hai phát nổ nhưng may mắn là không gây sát thương cho ai) và liên tục di chuyển, thay đổi chỗ ẩn nấp. (Sau này, tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ được một khẩu súng AK có chín viên đạn, trong đó có một viên đạn đã lên nòng và tám viên trong hộp tiếp đạn…).
Tuấn “khỉ” (ảnh nhỏ) bị bắn hạ khi chống trả lại sự vây bắt của công an. Ảnh: PLO |
Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân xung quanh và cán bộ, chiến sĩ tham gia truy bắt, lực lượng đặc nhiệm đã nổ súng và rồi Tuấn “khỉ” đã chết.
Cần phải khẳng định việc nổ súng như thế là được phép, là hoàn toàn đúng với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Với luật này, nguyên tắc chung của việc sử dụng vũ khí là phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng.
Cũng theo luật này, lực lượng chức năng chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.
Đáng lưu ý thêm là đối với đối tượng đang sử dụng vũ khí đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác thì người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng mà không cần cảnh báo.
Thực tế cho thấy trước sự manh động, liều lĩnh bắn trả của Tuấn “khỉ” thì công an đã không thể bắt được Tuấn “khỉ” để các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy trình tố tụng hình sự thông thường. Thay vào đó, công an bắt buộc nổ súng để chặn họa lớn khác từ Tuấn “khỉ”. Rõ là cái chết của Tuấn “khỉ” cũng là chuyện nằm ngoài ý muốn của lực lượng này.
Trong tiếng Việt, có trường hợp nhiều từ ngữ khác nhau có thể dùng để định danh một hành vi. Điều quan trọng là sự chọn lựa từ ngữ nào mang sắc thái biểu cảm phù hợp nhất để đặt tên cho hành vi đó. Bởi lẽ này, với ngữ nghĩa cùng lý do nổ súng như đã nêu thì có lẽ dùng từ “bắn hạ” hay “bắn chết” phù hợp hơn là “tiêu diệt”. Hai cụm từ này sát hợp, trung tính, tránh được những cảm nhận tiêu cực về việc chẳng đặng đừng nổ súng của công an. Theo đó, nếu trước đây, vì gấp rút nên báo chí hay các cơ quan chức năng chưa thể chọn đúng từ thì giờ chọn từ dùng cho đúng cũng không muộn.
Suy cho cùng, điều đáng ghi nhận nhất trong sự việc này là lực lượng công an đã kịp thời không để cho Tuấn “khỉ” gây thêm tội ác. Và kết cục là Tuấn “khỉ” đã phải đền tội bằng tính mạng của mình.
Tác giả: THU TÂM
Nguồn tin: Báo PL TP HCM