Mặc dù chính quyền và ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, đối thoại với dân, thậm chí đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đã chủ trì đối thoại với dân, nhưng xem ra đa số người dân vẫn chưa thông.
Hiện nay tình hình đang bế tắc, mà phần thua thiệt là hàng trăm HS phải gánh chịu, có nguy cơ thất học. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những diễn biến tiêu cực. Bản thân chính quyền cũng rất mệt mỏi và tốn kém.
Theo chúng tôi, trước tình hình qui mô trường lớp ngày càng thu hẹp, thì việc sáp nhập các trường là chủ trương đúng nhằm tinh giản bộ máy, biên chế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, tiết kiệm ngân sách.
Phụ huynh xã Hương Bình phản đối việc sáp nhập trường dẫn tới con em phải đi học quá xa, nguy hiểm và mệt mỏi, tốn kém (nguồn: internet) |
Tuy nhiên, việc thực hiện sao cho hợp lý, đảm bảo điều kiện học tập của HS không bị ảnh hưởng, người dân không phải tốn kém chi phí về đưa đón con em đi học, HS không phải đi học trên quãng đường quá xa mệt mỏi và nguy hiểm.
Trước khi sáp nhập trường, chính quyền và ngành giáo dục đã không bàn bạc, thảo luận, thăm dò ý kiến, nguyện vọng của người dân. Do đó, sau khi sự việc xẩy ra, người dân bất ngờ và bất bình, phản ứng gay gắt, có tính chất tập thể và có tổ chức.
Nguyện vọng của người dân được học trong ngôi trường có vị trí thuận lợi, lại là địa chỉ văn hóa quen thuộc mà người dân nhiều thế hệ đã bỏ công sức, tiền của xây dựng nên là hoàn toàn chính đáng.
Do đó, trước những hứa hẹn và nhượng bộ từ phía chính quyền như làm đường vượt lũ, hỗ trợ xe đạp, học phí…đa số người dân đều không đồng thuận.
Chúng tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, để có giải pháp “trọn cả đôi đường” không phải là việc khó. Vấn đề là phía chính quyền cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong giải pháp.
Có hai giải pháp có thể tham khảo: vẫn sáp nhập trường THCS Hương Bình về xã Phúc Đồng, tuy nhiên, vẫn giữ lại điểm trường Hương Bình. HS Hương Bình vẫn được học tại trường của xã. Phía ngành giáo dục chỉ có thay đổi cơ cấu tổ chức, phân công giáo viên phụ trách và phân phối thời khóa biểu sao cho hợp lý (đối với công việc của giáo viên).
Phương án thứ hai, là sáp nhập trường THCS và trường Tiểu học Hương Bình. Cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên, bộ máy Ban giám hiệu thay đổi gồm một Hiệu trưởng phụ trách chung, một Hiệu phó phụ trách THCS, một Hiệu phó phụ trách Tiểu học. Mô hình trường này trước đây gọi là trường PTCS và tồn tại trong rất nhiều năm, hiện nay vẫn được nhiều địa phương áp dụng.
Phụ huynh ngồi chật kín hội trường đối thoại với lãnh đạo tỉnh (nguồn: internet) |
Thậm chí, có thể sáp nhập cả ba cấp Tiểu học – THCS và THPT thành một trường, trong điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, số lượng HS ít.
Cả ba phương án nói trên đều phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011.
Cách làm sáp nhập trường theo đúng từng cấp học (THCS sáp nhập về THCS…) là cách làm máy móc, sẽ gây ra hậu quả là HS phải đi học quá xa, ảnh hưởng đến sức khỏe, mất thời gian, tốn kém và nguy hiểm. Giả sử có một HS gặp tai nạn trên đường, thì mục tiêu tốt đẹp của việc sáp nhập trường mà các quan chức Hà Tĩnh nêu ra là “nâng cao chất lượng giáo dục” đều không có giá trị.
Thiết nghĩ, đó là “kế vẹn toàn” trong điều kiện hiện nay: phía chính quyền vẫn thực hiện được mục tiêu sáp nhập trường, mà vẫn đáp ứng được nguyện vọng của dân là con em được học gần nhà, an toàn, thuận tiện và ít tốn kém.
Về lâu dài, Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác nên xem xét áp dụng mô hình sáp nhập nói trên để bảo đảm nhiều hiệu quả mà người dân vẫn đồng thuận.
Trong mọi trường hợp, việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống giáo dục phải đặt quyền lợi của HS lên trên hết. Chính quyền các cấp cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường.
Không nên coi việc sáp nhập, xóa bỏ các điểm trường là “chủ trương đúng” rồi bỏ qua mọi nguyện vọng chính đáng của dân. Nếu chủ trương nào đó phương hại đến quyền lợi của dân, thì cần xem xét lại tính chất “đúng đắn” của nó và có sự điều chỉnh trong giải pháp. Bởi vì bản chất của giáo dục là nhân văn, vì dân, có tính chất phúc lợi xã hội.
Còn nếu chính quyền máy móc, bảo thủ, sợ “mất uy” và tiếp tục đưa ra các giải pháp có tính chất “chữa cháy” thay vì đáp ứng nguyện vọng của dân, thì tình hình căng thẳng sẽ còn kéo dài, người dân sẽ vẫn đấu tranh và hàng trăm con em vẫn tiếp tục thất học, mà không quan chức nào phải chịu trách nhiệm gì.
Khoản 3. Điều 4 – Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD-ĐT.
Các trường phổ thông có nhiều cấp học gồm:
a) Trường tiểu học và trung học cơ sở;
b) Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông;
c) Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Điều 12: Việc sáp nhập, chia, tách trường phải bảo đảm an toàn và quyền lợi của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
-Bộ GD-ĐT cũng không có văn bản nào qui định số lượng tối thiểu của một trường THCS là 16 lớp.
Quang Đại – Hà Vy