Trong hơn 1 tuần nay, 100% cán bộ Trung tâm KHKT – bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ thường xuyên có mặt tại các địa phương, để hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Cùng với lực lượng liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn tại các chốt kiểm dịch được đặt tại các điểm giáp ranh với Thị xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc. Theo ông Hà Quang Thăng – Phó giám đốc Trung tâm KHKT – Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: Bệnh lở mồm long móng là bệnh cấp tính do virus gây ra ở các loài động vật có móng guốc chẵn: như trâu, bò, dê, cừu, lợn, làm các loài vật này bị lở mồm và long móng, sốt và giảm ăn. Bệnh ở thể ác tính và con vật sẽ chết sau khoảng 5 – 7 ngày. Bệnh không chữa được, nhưng có thể phòng tránh bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh. Chăm sóc tốt cho vật nuôi, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Hiện nay, huyện Đức Thọ đã ban hành công điện chỉ đạo phòng chống dịch cho các địa phương, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguyên nhân, cách phòng chống. Cấp 900 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Thành lập 2 chốt kiểm dịch tại 2 điểm giáp ranh với Thị xã Hồng Lĩnh và Can Lộc.
huyện Đức Thọ hiện có tổng đàn trâu bò trên 30 ngàn con, cơ bản đã được tiêm phòng đợt 2. Anh Lê Anh Toản – xã Yên Hồ có mô hình trang trại tổng hợp 11,5 ha. Với 50 con bò, me nuôi thịt và bò nái. Trung bình mỗi con có giá trị từ 25 – 30 triệu đồng, trong đó có trên 10 con bò nái giá trị lên đến 35 – 40 triệu đồng. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trước dịch bệnh lở mồm long móng, anh thường xuyên theo dõi thông tin, diễn biến của dịch bệnh, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, không chủ quan và dấu dịch. Anh Lê Anh Toản – xã Yên Hồ nói: tôi thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch bệnh lở mồm long móng, theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn tôi thực hiện nghiêm pháp lệnh thú y. Tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi hàng ngày, thường xuyên theo dõi để phát hiện dịch bệnh và kịp thời báo với ngành chức năng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Thọ chưa có dấu hiệu phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, nhưng nguy cơ xuất hiện loại dịch bệnh này là rất cao, vì nằm giáp ranh với 2 xã có dịch, trên địa bàn có 2 ổ dịch cũ. Huyện Đức Thọ đang tập trung cao cho công tác phòng chống dịch, trong đó chú trọng tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát và theo dõi dịch bệnh. Bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi./.
Thanh Tình – Nam Thắng