Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Bùi Trường Giang.
Đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào dạy trong trường học |
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, xác định việc phòng ngừa tham nhũng là quan trọng, Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện quy chế dân chủ trong các đơn vị; tăng cường công tác thanh tra hành chính và đột xuất.
Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các ĐH, trường ĐH, CĐ tiếp tục đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Bộ đã giảm từ 23 đơn vị hành chính xuống còn 21 đơn vị, giảm được 21 phòng và 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.
Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào trong ngành nói chung và tại các đơn vị trực thuộc Bộ vi phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức có nơi còn hình thức. Một số cơ sở giáo dục còn vi phạm hành chính trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; vi phạm trong công tác quản lý xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.
Nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang bước vào giai đoạn yêu cầu ngày càng cao, ông Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục tập trung quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng về phòng chống tham nhũng.
Nghiên cứu để tiếp tục đưa nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng vào nhà trường; gắn giáo dục phòng chống tham nhũng với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên, học sinh.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung các quy định còn thiếu và tăng cường công khai minh bạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương để thanh tra giám sát những vấn đề dư luận xã hội còn có ý kiến...
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Ủy viên Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng chia sẻ tại buổi làm việc ở Bộ GD-ĐT (Ảnh: tuyengiao.vn) |
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, Bộ GD-ĐT đồng thời phải thực hiện 2 nhiệm vụ: Đấu tranh phòng chống tham nhũng trong cơ quan Bộ và chỉ đạo đưa giáo dục phòng chống tham nhũng vào hệ thống giáo dục nhà trường - đây sẽ là “vắc xin” phòng chống tham nhũng trong tương lai.
"Chúng ta phải nghiên cứu việc đưa nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng vào nhà trường, đây là một yêu cầu hay là một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành. Cũng là phòng chống tham nhũng, cũng là giáo dục công dân, cũng là giáo dục đạo đức- liêm chính nhưng mà mỗi một lứa tuổi khác nhau. Việc giáo dục phòng chống tham nhũng phải gắn liền với giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho sinh viên, học sinh", ông Thưởng đề nghị.
Ông Võ Văn Thưởng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện và bổ sung những quy định còn thiếu, nhất là những khâu nào còn sơ hở, dễ nảy sinh tiêu cực như thi cử, phong học hàm, các dự án quản lý tài sản, công tác cán bộ, những vấn đề dư luận xã hội còn có ý kiến...
Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trong Bộ và trong ngành. Trong đó, sẽ tập trung rà soát xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên về phòng chống tham nhũng để triển khai tốt hơn nữa giáo dục phòng chống tham nhũng trong nhà trường.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet