Sau khi rìa bão quét qua địa phận TP Móng Cái, Hải Hà (Quảng Ninh), bão số 2 đã nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Rất may hậu quả do bão gây ra không đáng kể.
Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) với sức gió 12-13, giật cấp 14. Phát biểu tại buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống bão số 2 vào đêm qua tại Quảng Ninh, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo: bão sẽ đổ bộ vào Móng Cái vào khoảng 4 giờ sáng ngày 19.7 với sức mạnh ở cấp 14, giảm 1 cấp khi đi qua bán đảo Lôi Châu. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm bão đã không đổ bộ vào Móng Cái mà đi vào địa phận Trung Quốc.
Rất may, tâm bão đã không đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh, cho tới 13 giờ 30 ngày 19.7, tình hình thời tiết tại các nơi như Móng Cái, Cô Tô có gió cấp 7, giật cấp 8 kèm mưa nhỏ; các địa phương khác có mưa và gió cấp 4-5.
Về thiệt hại do cơn bão gây ra tại Quảng Ninh: Không có thiệt hại về người. Cho tới thời điểm trên, toàn bộ tàu thuyền, hồ chứa và tuyến đê, kè vẫn đảm bảo an toàn. Giao thông và thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo thông suốt.
Các lực lượng vẫn nghiêm túc ứng trực đảm bảo 100% quân số sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Thống kê sơ bộ bước đầu ghi nhận có 4 nhà tạm bị đổ sập (trong đó Móng Cái có 2 nhà, Tiên Yên có 2 nhà); 50 ngôi nhà tốc mái (Móng Cái 34 nhà, Hải Hà 14 nhà, Tiên Yên 2 nhà); khoảng 200 cây xanh đổ gãy; 1 cột ăng-ten của nhà mạng Vinaphone tại xã Quảng Đức huyện Hải Hà bị đổ.
Ước tính thiệt hại cho tới thời điểm 1 giờ 30 vào khoảng 2 tỉ đồng.
4 nhà tạm bị sập đổ, 50 ngôi nhà bị tốc mái.
Để đối phó với hoàn lưu bão số 2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị trên địa bàn tổ chức kiểm tra thực tế lại các khu, khe, bản nhằm xác định thiệt hại do bão gây ra. Huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình có nhà bị đổ, tốc mái để khắc phục hậu quả, vận động nhân dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra để sớm đi vào ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các địa phương kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là tại các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bở sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, vận hành các hồ chứa nước để có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các công trình và hạ lưu…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật mạnh cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 8 – 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật mạnh cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 8, Lục Ngạn (Bắc Giang) có gió giật mạnh cấp 8, …
Khu vực phía đông bắc Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 – 50mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Mẫu Sơn 198mm; Đình Lập (Lạng Sơn) 107mm; Móng Cái 133mm; Tiên Yên (Quảng Ninh) 87mm; Sơn Động (Bắc Giang) 109mm,…
Chiều nay (19.7), sau khi đi vào khu vực biên giới Việt – Trung, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hàng chục ngàn người tại Quảng Ninh và Hải Phòng đã phải di tản tới nơi an toàn.
Hồi 14 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 – 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8 – 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ.
Đến 1 giờ ngày 20.7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Ở Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang chiều nay còn có gió giật mạnh cấp 7 – 8. Các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Lượng mưa hoàn lưu bão được dự báo là sẽ rất lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy cần đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá.
Ngoài ra, theo phía hãng hàng không VietJet, diễn biến bão Rammasun gây mưa lớn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các đường bay. Ngày hôm nay (19.7), VietJet đã phải hủy các chuyến bay đến Hải Phòng. Các chuyến bay đến sân bay Liên Khương (Hà Nội – Đà Lạt, Vinh – Đà Lạt, TP.HCM – Đà Lạt) không thể hạ cánh và phải chuyển hướng về sân bay Tân Sơn Nhất -TP.HCM. Một số chặng bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch bay thay đổi, trên 30 chuyến bay các chặng khác bị ảnh hưởng thời gian khởi hành so với kế hoạch.
Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết sẽ được VietJet chuyển sang chuyến tiếp theo nếu thời tiết thuận lợi. Hãng cũng linh hoạt giải quyết hoàn vé hoặc bảo lưu vé, tùy theo nhu cầu. VietJet cũng đã thông tin qua nhiều kênh truyền thông, qua điện thoại, tin nhắn SMS… để hỗ trợ hành khách.
Hãng hàng không này cũng khuyến cáo hành khách thường xuyên cập nhật thông tin chuyến bay tại website www.vietjetair.com, mục “Thông tin chuyến bay”. Tại đây, hành khách sẽ kiểm tra được “code vé”, tra cứu đầy đủ và chính xác về chặng bay, giờ bay của mình để chủ động trong việc điều chỉnh lịch trình đi lại. Các thông tin về kế hoạch khai thác nhằm ứng phó với cơn bão này sẽ được VietJet tiếp tục được cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Nam Phong