Người đương thời

Đổi thay cuộc sống người Chứt nơi vùng biên

Tộc người Chứt lần đầu tiên được bộ đội biên phòng phát hiện năm 1959, trong hang sâu rừng quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng, thuộc tỉnh Quảng Bình.

Thời điểm mới phát hiện, tộc người Chứt còn sinh sống theo kiểu bầy đàn, ăn lông ở lỗ, sống bằng hình thức săn bắt, hái lượm… Theo thống kê, trên cả nước, dân tộc Chứt có 6.000 người. Ở tỉnh Hà Tĩnh có 135 người, phân bố ở vùng núi Hương Sơn…Yêu nhau thì về ở cùng nhau…Trong chuyến công tác dài ngày tại vùng biên Hà Tĩnh, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với tộc người Chứt, một dân tộc ít người bậc nhất tại Việt Nam, với những phong tục, tập quán kỳ lạ.Trong cuộc trò chuyện với Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, Đội trưởng tổ công tác Rào Tre, thuộc đồn biên phòng Bản Giàng, chúng tôi được nghe kể rất nhiều câu chuyện thú vị. Về phong tục cưới xin của người Chứt có nhiều nét khá độc đáo. Theo Thiếu tá Tịnh, trai gái người Chứt có cách tìm hiểu nhau thuộc loại “độc nhất vô nhị” trong số 54 dân tộc ở Việt Nam. Khi người con trai thầm yêu, trộm nhớ một người con gái nào đó mà muốn lấy về làm vợ, người con trai sẽ một mình vào rừng, tìm chặt một bó củi, rồi bó gọn gàng, sau đó mang về đặt trước cửa nhà cô gái. Sau một đêm thấp thỏm, hồi hộp đợi chờ, sáng sớm ngày hôm sau, người con trai sẽ đến cửa nhà cô gái để kiểm tra. Nếu bó củi không còn, tức người con gái đã đồng ý về làm vợ người con trai.Khi bước đầu thành công, chàng trai sẽ về nhà thưa chuyện với bố mẹ, đến đặt vấn đề với gia đình người con gái để đón vợ về. Tùy vào điều kiện từng gia đình mà cách tổ chức đám cưới cũng khác nhau. Đối với những gia đình có chút điều kiện, họ sẽ làm vài mâm cơm, giết con lợn để mời cả dân làng tới uống rượu mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người con trai sẽ đến đón người con gái mình thương về ở cùng mà không hề phải mang theo bất cứ một lễ vật nào. Dường như việc trai gái yêu nhau, rồi về ở với nhau của người Chứt mang một nét gì đó giản dị, hoang sơ, đậm chất núi rừng. Tình yêu giữa trai gái người Chứt tự nhiên, mộc mạc, chân thành như chính bản chất con người nơi đây vậy.Tôi đã có cuộc trò chuyện với Hồ Thị Khiên, một người phụ nữ tộc Chứt, giờ đã là mẹ của 3 đứa con. Khi tôi hỏi trước đây, chồng chị tìm hiểu chị như thế nào? Chị Khiên tỏ vẻ thẹn thùng, trả lời thật thà: “Chồng em chẳng tán tỉnh gì đâu, lớn lên cùng nhau từ nhỏ, mỗi lần nhìn thấy nhau lại cảm thấy thẹn thùng. Khi lớn lên, anh ấy đến hỏi và em theo anh ấy về ở cùng nhà thôi”.Nhìn cách trả lời mộc mạc về những mối tình của các chàng trai, cô gái người Chứt, tôi như cảm thấy yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây.
Bộ đội biên phòng giúp người dân xây dựng cuộc sống…Để bản làng người Chứt có được cuộc sống ổn định như hiện nay, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh nói chung và những cán bộ cắm bản thuộc tổ công tác bản Rào Tre nói riêng đã phải mất rất nhiều công sức. Theo như lời Thiếu tá Tịnh, người Chứt ở tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện và tập hợp thành bản làng lần đầu vào những năm của thập kỉ 90. Thời điểm mới phát hiện, số lượng người Chứt chỉ khoảng mấy chục người. Họ sống chủ yếu ở các hang động nằm sâu trong các cánh rừng già nguyên sinh. Sống theo kiểu bầy đàn, ăn lông ở lỗ, hình thức tìm kiếm thức ăn chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. Lần đầu tiếp xúc họ tỏ ra rất nhút nhát và thường chạy trốn mỗi khi gặp người lạ. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức các chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh mới tiếp cận được tộc người Chứt, nhằm giúp họ hòa nhập với cuộc sống. Cuộc quy họp những người dân tộc Chứt lần đầu tiên được diễn ra trước những năm 2000 nhưng chỉ được một thời gian ngắn, họ lại tự động bỏ bản làng trở về với cuộc sống nguyên thủy như trước kia. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng với cái tâm, lẫn cái tầm của những người làm công tác chính trị ở vùng biên giới, các chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh vẫn quyết tâm đưa tộc người này hòa nhập với cuộc sống đang phát triển. Lần thứ 2, cuộc quy tập bản làng người Chứt được thực hiện, và lần này các chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh đã được cắt cử để cùng sinh sống với người dân, nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Do không có hệ thống chữ viết, trước đó lại chỉ sống trong rừng sâu nên trình độ hiểu biết của tộc người Chứt rất hạn chế. Trong những ngày đầu, các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã giúp người dân dần thay đổi cách suy nghĩ như: Ở trong nhà sẽ tốt hơn ở trong hang hốc, dạy cho họ dần thoát khỏi lối sống bầy đàn, ăn chung ở chạ. Giảm tải tình trạng hôn nhân cận huyết để duy trì giống nòi khỏe mạnh. Giờ đây cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, huyện biên giới Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân đã dần được nâng cao hơn. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng Hà Tĩnh làm công tác cắm bản vẫn hàng ngày, hàng giờ giúp đỡ bà con. Họ dạy cho dân làng cách làm nông nghiệp. Dạy dân cách trồng rừng, bảo vệ rừng để phục vụ cuộc sống. Trẻ em thuộc bản làng người Chứt nơi đây được bộ đội biên phòng vận động tới lớp, tới trường để học tập nhằm xóa bỏ nạn mù chữ. Theo Thiếu tá Tịnh: Gần như 100% trẻ em nơi đây đều biết chữ, nhiều em đã theo học được hết chương trình cấp 3. Chia tay bản người Chứt khi những tia nắng cuối ngày dần tắt hẳn, chúng tôi thầm mong cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày một phát triển hơn, tươi sáng hơn.
Xuân Thắng

PL&XH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP