Lợi dụng dự án để khai thác đất trái phép
Thời gian gần đây, TH&CL nhận được phản ánh của người dân xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), một doanh nghiệp lợi dụng dự án nạo vét hồ chứa nước Đập Hà phục vụ nông thôn mới (NTM) để khai thác đất trái phép bán cho nhà máy gạch trong thời gian dài.
Hai chiếc máy múc và nhiều xe tải được Công ty Tuấn Đạt huy động múc đất tại hồ Đập Hà để bán cho nhà máy gạch |
Theo phản ánh của người dân, PV đã có mặt tại hồ Đập Hà, thuộc thôn Đại Long và thôn Quý Hải, xã Thạch Ngọc. Tại đây, theo ghi nhận của PV, doanh nghiệp huy động 2 máy múc cùng hàng chục xe tải chở đất ra vào rầm rộ, đất rơi vãi, bụi bay mù mịt, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tiếp tục theo đuôi những chiếc xe tải đã “ăn no” đất ở hồ Đập Hà thì phát hiện đúng như người dân phản ánh. Những chiếc xe tải này chạy ra khỏi địa bàn xã Thạch Ngọc, sau đó chạy thẳng đến Nhà máy gạch tuynel và bê tông xây dựng Vĩnh Thạch (thuộc xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà). Sau khi đổ đất tại nhà máy gạch, những chiếc xe này lại tiếp tục quay về hồ Đập Hà để chở đất cho nhà máy gạch.
|
Những chiếc xe tải chở đầy đất cày nát đường, bụi mù trời |
Theo tìm hiểu của PV, dự án nạo vét hồ chứa nước Đập Hà tại xã Thạch Ngọc, được UBND tỉnh phê duyệt, có tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng, phục vụ xây dựng NTM mới trên địa bàn xã này; chủ đầu tư là UBND xã Thạch Ngọc, còn đơn vị thi công là Công y TNHH Đầu tư và xây dựng Tuấn Đạt (Công ty Tuấn Đạt), địa chỉ tại xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà.
Theo ghi nhận, vào những thời điểm PV có mặt, Công ty Tuấn Đạt không đổ bất kỳ xe đất nào cho công trình trên địa bàn xã, mà tất cả các xe sau khi “ăn no” đất tại Đập Hà, đều được chở thẳng đến Nhà máy gạch Vĩnh Thạch.
|
Sau khi "ăn no đất" tại hồ Đập Hà, những chiếc xe tải chạy thẳng về đổ đất cho Nhà máy gạch Vĩnh Thạch |
Điều đáng nói, việc lợi dụng dự án, khai thác đất trái phép của doanh nghiệp này diễn ra suốt một thời gian dài, khai thác một cách công khai, rầm rộ. Thậm chí, hàng chục xe tải chở đất ngang nhiên chạy rầm rầm qua trụ sở UBND xã Thạch Ngọc, nhưng không hề có sự can thiệp nào từ phía chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan chức năng?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hà Thạch, Giám đốc Công ty Đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh (có đơn vị thành viên là Nhà máy gạch tuynel và bê tông xây dựng Vĩnh Thạch) cho biết, công ty này có ký hợp đồng mua bán đất với Công ty Tuấn Đạt.
|
Hợp đồng mua bán đất giữa Công ty Tuấn Đạt và Công ty CP ĐT&XD số 1 Hà Tĩnh (đơn vị chủ quản của Nhà máy gạch Vĩnh THạch) |
Theo bản hợp đồng được ký vào ngày 12/07/2017 giữa Công ty Tuấn Đạt (bên A) và Công ty CP ĐT&XD số 1 Hà Tĩnh (bên B): Bên B đồng ý mua đất của bên A. Bên A đồng ý bán đất khi thực hiện dự án nạo vét hồ chứa nước Đập Hà: Số lượng tùy theo yêu cầu của bên B và khả năng của bên A; đơn giá tại thời điểm ký là 80.000 đồng/m3; thời gian thực hiện trong 2-3 năm, theo tiến độ nạo vét hồ chứa nước Đập Hà, xã Thạch Ngọc.
Vận dụng linh hoạt?
Để làm rõ hơn vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Thạch Ngọc. Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Hải, Bí thư xã Thạch Ngọc thừa nhận có việc Công ty Tuấn Đạt lợi dụng thi công dự án nạo vét hồ chứa nước Đập Hà trên địa bàn để khai thác đất trái phép, bán cho nhà máy gạch.
Ông Hải cho biết: “Hồ chứa nước Đập Hà có ý nghĩa rất lớn về sinh hoạt và sản xuất đối với nhân dân địa phương, nhưng thường xuyên bị bồi lấp. Từ năm 2013 đến 2015, khi Nhà nước chưa xiết chặt quản lý, đang dễ thì làm trộm, cho họ đào lấy đất đổ lung tung. Nhưng giờ, Nhà nước xiết chặt quản lý thì phải làm thủ tục đầy đủ để xin cấp phép”.
|
DN làm trái quy định của tỉnh, lợi dụng dự án bán đất tái phép, nhưng ông Lê Thanh Hải, Bí thư xã Thạch Ngọc lại nói "vận dụng linh hoạt" (?!) |
Cũng theo ông Hải: “Trước đây, xã được cấp hơn 700 triệu về làm được dàn xả, nạo vét lòng hồ để đắp làm bờ, nhưng giờ cũng trôi hết rồi. Vừa rồi, xã xin được chủ trương của UBND tỉnh, nạo vét lòng hồ Đập Hà tận thu để xây dựng NTM”.
Được biết, dự án nạo vét hồ chứa nước Đập Hà có tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng với diện tích 1,3ha. Theo quy định, ngoài số lượng đất nạo vét để đắp thân đập thì toàn bộ số đất còn lại được tận thu để phục vụ các công trình NTM trong xã.
“Tỉnh không cho đào đất bán, tuy nhiên trong quá trình làm, Công ty Tuấn Đạt có khai thác đất bán cho nhà máy gạch. Tôi biết, việc này là trái phép, nhưng đây là vận dụng linh hoạt, xã không vận dụng thì không biết lấy tiền mô mà làm”, ông Hải nói.
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Khánh Trình
Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Công luận