Tin Hà Tĩnh

Doanh nghiệp lấn chiếm đất vàng “trên bảo dưới không nghe”

Phản ánh về việc ông Lê Thanh Tùng - Doanh nghiệp Tư nhân Kim Tùng Soa, trú tại TDP5, thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) lấn chiếm đất hành lang giao thông để xây dựng dãy kiot cho thuê trái phép; ngay sau đó, UBND huyện Đức Thọ đã có Công văn yêu cầu UBND thị trấn kiểm tra, xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn xử lý nhưng UBND thị trấn Đức Thọ vẫn không thực hiện chỉ đạo của cấp trên.

Công văn số 1980/UBND-TNMT của UBND huyện Đức Thọ giao UBND thị trấn kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng lấn chiếm đất đai.

Theo đó, ngày 13/10/2017, ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đã ký Công văn số 1980/UBND-TNMT giao UBND thị trấn kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng lấn chiếm đất đai diễn ra trên địa bàn. Công văn yêu cầu Chủ tịch UBND thị trấn chỉ đạo Công chức chuyên môn Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, xác minh làm rõ việc xây dựng ki ốt của hộ gia đình ông Lê Thanh Tùng và bà Mạnh Thị Soa có vi phạm lấn chiếm đất do UBND thị trấn quản lý hay không?

Trong trường hợp lấn chiếm đất đai thì lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, buộc trả lại đất lấn chiếm theo quy định của Nghị định 102/2014 ngày 10/11/2014 của Chính phủ, báo cáo về UBND huyện qua Phòng Tài nguyên - Môi trường trước ngày 18/10/2017. Yêu cầu UBND thị trấn nghiêm túc thực hiện.

Tuy nhiên đến chiều thứ 6 ngày 20/10, tức là quá 2 ngày so với thời hạn quy định, phía huyện Đức Thọ vẫn chưa nhận được báo cáo về sự việc nói trên.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Sau khi có thông tin phản ánh, Phòng đã tham mưu UBND huyện có văn bản yêu cầu thị trấn kiểm tra để trả lời. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Sắp tới Phòng sẽ trực tiếp làm việc với thị trấn để báo cáo rõ nội dung kiểm tra thực sự có lấn chiếm hay không”.

“Qua rà soát trên máy thì tổng diện tích đất còn lại là 140m², trong đó phía Bắc giáp QL15A và đê La Giang rộng 2,9m; phía Nam giáp đường nội bộ rộng 6,9m; phía Tây giáp đường 8B dài 23m. Diện tích này đủ để quy hoạch được một suất đất. Huyện sẽ chỉ đạo thị trấn quy hoạch để đấu giá, còn cấp thì dứt khoát là không thể cấp được”, vị này nói thêm.

Sau đó vị cán bộ này đã gọi điện cho Chủ tịch UBND thị trấn “nhắc nhở” khẩn trương xác minh và nộp báo cáo theo quy định.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ, nội dung sự việc đúng như báo chí phản ánh, không phải xác minh gì nữa. Huyện đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu thị trấn xử lý theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất đã GPMB còn lại 140m², đủ để quy hoạch, đấu giá thu nộp ngân sách cho Nhà nước.

Trước đó, sau khi nhận chuyển nhượng đất của ông Lương Xuân Mỹ, tại thửa đất số 183, tờ bản đồ số 6, diện tích 184,1m², tại xóm 3, thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông Lê Thanh Tùng - một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại địa phương đã xin hợp thức hóa 16.9m² diện tích bên cạnh vào đất ở của gia đình.

Cuối năm 2015, ông Lê Thanh Tùng và bà Mạnh Thị Soa được cấp đổi giấy CNQSD đất số CB 460073, thửa đất số 76, tờ bản đồ số 7; diện tích 201m², trong đó có 166,9 m² đất ở, 34,1m² đất trồng cây lâu năm; thời hạn sử dụng lâu dài; tại TDP 4, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Cũng trong thời gian này, ông Tùng đã tiến hành xây dựng 6 ki ốt để cho thuê ngay sát bên cạnh, trên đất đã GPMB do UBND Thị trấn Đức Thọ quản lý với diện tích lấn chiếm khoảng 60m². Điều đáng nói là dãy kiot này không chỉ được xây dựng trái phép trên đất hành lang giao thông mà còn xây dựng trên diện tích 34,1m² đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Dư luận đặt câu hỏi là tại sao UBND thị trấn Đức Thọ lại chậm trễ trong việc làm báo cáo giải trình cấp trên? Chẳng nhẽ thời gian 5 ngày không đủ để xác minh thông tin hay có uẩn khúc gì còn chưa được làm rõ? Thiết nghĩ Lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ cần vào cuộc một cách quyết liệt để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cũng cố niềm tin cho nhân dân.

Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 10 năm 2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định về hạn mức diện tích giao đất ở như sau:

Diện tích thửa đất ở tối thiểu tại khu vực đô thị là 40m2; khu vực nông thôn là 60m2 đối với các vị trí bám đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và 75m2 đối với các vị trí còn lại.

Thửa đất phải đảm bảo có lối đi ra đường công cộng và có kích thước cạnh như sau: Đối với khu vực đô thị có kích thước cạnh tối thiểu là 4m, còn khu vực nông thôn có kích thước cạnh tối thiểu là 5m.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP