Từ năm 2011 đến nay, thị trấn Hương Khê đã xây dựng mới 48 phòng học cao tầng cho 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS; kêu gọi Công ty Đức Thắng đầu tư xây dựng Trường Mầm non tư thục Trung Kiên với tổng trị giá trên 30 tỷ đồng. Hàng trăm học sinh đã được hưởng lợi khi học tập trong những ngôi trường kiên cố, đẹp đẽ. Ngoài việc đầu tư trên 60 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục, thị trấn còn tổ chức nhiều chuyến du hành khắp mọi miền đất nước nhằm kêu gọi con em xa quê là chủ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Công trình đường vành đai vượt lũ, đường ngang dân sinh có chiều dài hơn 4 km với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng là kết quả từ những nỗ lực đó.
An ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chỉnh trang đô thị chính là những yếu tố quan trọng đối với một đô thị văn minh. Ý thức được điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu nhằm giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thị trấn còn thành lập HTX Môi trường đô thị, mua sắm thêm trang thiết bị chuyên dụng để thu gom và xử lý rác thải. Từ chỗ 900 hộ đăng ký thu gom, đến nay, đã hợp đồng được gần 2.000 hộ dân tham gia.
Hồ Bình Sơn – thị trấn Hương Khê |
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, thị trấn đầu tư gần 1 tỷ đồng để gắn biển số nhà cho 1.800/3.000 hộ dân, đồng thời, gắn biển tên đường cho hàng chục tuyến phố lớn. Dự kiến, cuối quý II năm nay, thị trấn Hương Khê sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “nhà không số, phố không tên”. Những công trình hạ tầng như: điện chiếu sáng, trường học, gắn biển tên đường, số nhà đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo huyện miền núi Hương Khê.
Đột phá sản xuất rau an toàn
Những năm trước, hàng ngày, thị trấn Hương Khê đón nhận 1-1,5 tấn rau từ những chuyến tàu hỏa ở thành phố Vinh, huyện Đức Thọ vào. Thực trạng đó đã khiến đội ngũ cán bộ lãnh đạo thị trấn trăn trở: làm thế nào để vùng đất màu mỡ ven sông Tiêm trở thành vùng trồng rau sạch, giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện đời sống; khách hàng yên tâm vì hóa giải được “cơn khát” rau sạch và đặc biệt là tranh thủ được nguồn hỗ trợ trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Chính quyền thị trấn quyết định đầu tư trên 150 triệu đồng xây dựng hạ tầng và giao HTX Rau an toàn (gồm 24 hộ dân) triển khai dự án trồng rau sạch tại khu vực đồng Đá Lậu (tổ dân phố 13) với diện tích khoảng 4 ha. Sau khi có guồng quay tự động, HTX đã đầu tư 1 bể đựng nước dung tích 12 m3 và 6 bể chứa nước nhỏ với dung tích 2 m3/bể. Với việc lắp đặt guồng quay tự động và hệ thống kênh dẫn bằng nhựa, người trồng rau đã tự mình “thay trời làm mưa”, tiết kiệm được công sức nên các hộ tích cực tham gia sản xuất.
Chỉ trong thời gian ngắn, khu đồng Đá Lậu đã phủ một màu xanh của các loại cây trồng như: bắp cải, khoai tây, củ cải… Với ưu thế đặc biệt là nguồn giống được nhập từ Viện Rau quả Trung ương, lại được chăm sóc cẩn thận, không sử dụng hóa chất nên rau an toàn đã có chỗ đứng trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, nhờ áp dụng “công nghệ” mới nên mỗi hộ tham gia HTX Rau an toàn thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. “Thị trấn tiếp tục triển khai thêm 1 mô hình tương tự tại tổ dân phố 14 nhằm tận dụng lợi thế “trời cho” từ nguồn nước ngọt sông Tiêm” – Chủ tịch UBND thị trấn Lê Hữu Thái cho biết thêm.
Nhiệm kỳ 2015-2020, thị trấn Hương Khê đặt mục tiêu tổng quát: xây dựng môi trường kinh tế ổn định, tăng trưởng bền vững trên cơ sở đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và thương mại; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, phấn đấu xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2020; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt 40 tỷ đồng…
Hoài Nam/ Báo Hà Tĩnh