Kinh tế

Điểm danh những nơi "sốt" đất hạ nhiệt, cảnh ráo riết đẩy hàng xuất hiện

Sau "cơn sốt" khủng khiếp, đất miền núi Thanh Hóa bắt đầu "hạ nhiệt"; Hà Nội: Sau "sốt" đất, nhà đầu tư ráo riết tìm cách tháo chạy, thoát hàng... những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Sau "cơn sốt" khủng khiếp, đất miền núi Thanh Hóa bắt đầu "hạ nhiệt"

Theo ghi nhận, những ngày gần đây, tại các xã Hải Long, Xuân Thái, thị trấn Bến Sung, Thanh Hóa - nơi được cho là "đất vàng" khi dự án đi qua đã không còn cảnh người mua, kẻ bán. Các đối tượng "cò" đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn. Tại xã Xuân Thái - nơi cơn "sốt đất" khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán cũng trong tình cảnh "vắng như chùa bà đanh".

Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết, có khoảng gần 30 gia đình chuyển nhượng đất trong thời điểm đất lên cơn sốt vừa qua.

"Cơ bản người dân được hưởng lợi sau đợt "sốt đất". Người dân cũng không ngờ đất ở vùng sâu vùng xa lại được bán với giá cao như vậy. Nhiều gia đình bán được giá gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày trở lại đây, mọi hoạt động đã diễn ra bình thường, không còn hiện tượng mua bán, giao dịch đất như sau Tết Nguyên đán nữa" - ông Đại nói.

Khu đất thuộc xã Hải Long, huyện Như Thanh tăng giá nhiều lần.


Hà Nội: Sau "sốt" đất, nhà đầu tư ráo riết tìm cách tháo chạy, thoát hàng

Nhiều miếng đất đang được rao bán hầu hết là của những nhà đầu tư và môi giới trước đây đã trót "ôm" nhưng không kịp "thoát" hàng thời điểm 'sốt', nên bây giờ đang ráo riết tìm cách "đẩy hàng", chào bán khắp nơi.

Nhờ cơn sốt đất, có người một đêm đã trở thành tỷ phú, nhiều nhà đầu tư đã kiếm lợi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng từ việc lướt sóng đất, nhưng cũng có không ít người "ngậm quả đắng" vì chạy theo cơn sốt đất.

Trong một tọa đàm về sốt đất, ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc Công ty LDG Group cho rằng, sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì 80 người "chết yểu", chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra.

Thực tế này dễ dàng nhìn thấy ở bài học từ thị trường Nhơn Trạch và cả TP.HCM nhiều năm trước đây. Đâu thiếu nhà đầu tư cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì không ra được hàng.

Nhiều mảnh đất ở Ba Vì đang được các nhà đầu tư ráo riết tìm cách "đẩy" hàng.


Vốn chảy ào ào vào bất động sản: Nghi có "tiền bẩn", cần kiểm soát rửa tiền

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".

Theo vị này, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường.

Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu.

"Chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền "kiều hối" (khoảng 20% "kiều hối" đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền", ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

Vén màn thuê xe chở khách đi xem đất: Cú lừa siêu hạng của sàn bất động sản

Mới đây, cộng đồng mạng đã xôn xao với bài "bóc phốt" hình thức lừa đảo mới của các công ty bất động sản làm ăn gian dối. Theo đó, khách mua sẽ được tổ chức đi xem đất trên một chuyến xe chung. Trên xe 16 chỗ đó sẽ có 4 nhân viên môi giới, còn lại là khách hàng.

Tuy nhiên thực tế, khách mua lại chỉ có 1 - 2 người, còn lại đều là người của các sàn giao dịch cài vào trong vai người mua đất.

Khi xe lăn bánh, rèm xe sẽ được kéo lại với lý do tránh nắng, nhưng thực chất là để khách mua không biết mình đang đi đâu. Khi đến nơi, các giao dịch của nhân viên môi giới và người đóng giả là khách hàng liên tục nổ ra, đánh vào lòng tham của người mua thật.

Nhiều chiêu trò dẫn khách vào vòng xoáy mua bán (ảnh minh họa).


Khi khách quay cuồng trong những tiếng ồn và các hợp đồng đã chốt, nhân viên sẽ hỗ trợ chuyển khoản số tiền cọc giữ chỗ lên tới hàng trăm triệu đồng. Trên giấy cọc có ghi rõ vị trí thửa đất, tờ bản đồ, lô số… Song, địa chỉ là điểm quan trọng nhất thì lại không có, khách ký xong thì địa chỉ mới được điền vào.

Tác giả: Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân Trí

  Từ khóa: giá đất , sốt đất

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP