Kinh tế

Sốt đất dự án khiến nhiều nhà đầu tư và môi giới quay cuồng

Để kịp giúp các nhà đầu tư kịp lướt con sóng sốt đất, những tay cò không ngại nắng nôi, thậm chí nhịn cả cơm trưa giới thiệu bằng được món hàng ưng ý.

Môi giới bất động sản giúp nhà đầu tư lướt sóng cơn sốt đất dự án. Ảnh: Bảo Thắng.

Chạy sô

Giữa cái nắng 30 độ của một trưa đầu tháng Tư, Toàn - một cò đất ở xã Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội) – chạy vội vào văn phòng nằm dọc Quốc lộ 21. Miệng vừa xin lỗi vì lý do “giải quyết nỗi buồn”, Toàn vừa bấm điện thoại hẹn đầu bên kia chừng hai tiếng nữa gặp mặt.

“Đợt này nhiều khách nên như chạy sô anh chị ạ”, Toàn nhanh nhảu bảo. Khi được đề nghị, là lùi một lát để ăn cơm trưa, cò đất sinh năm 1998, mới tốt nghiệp Cao đẳng Dược Hải Dương gạt đi. Như để giải thích cho quyết định ấy, Toàn vơ một chai nước trên bàn, tu một hơi tới quá nửa, rồi nhoẻn cười: “Bữa trưa của em xong rồi. Mình đi ngay cho được việc”.

Toàn thuộc diện trẻ nhất trong văn phòng bất động sản đang làm. Sở dĩ, chàng trai gầy nhẳng và nói nhanh tới mức người nghe nhiều lần phải hỏi lại được trọng dụng, là vì Toàn nắm đất Quốc Oai như lòng bàn tay. Chỗ nào nên lướt sóng, chỗ nào nên đầu tư lâu dài, chỗ nào có thể chuyển đổi mục đích sử dụng được, cò đất này đều am tường.

Trong khoảng hơn 15 phút, tính từ lúc lên xe tới khi dừng chân ở miếng đất đầu tiên Toàn giới thiệu, cựu sinh viên ngành dược kịp hoàn chỉnh bức tranh về viễn cảnh sáu tháng tới cho nhà đầu tư. Lễ phép, chừng mực nhưng chi tiết nhất có thể, những thứ được tay cò sinh năm 1998 nhắc đến nhiều nhất là “lên giá”, “tiền tỷ”, và “mua ngay kẻo mất”.

Dường như đã quen với những ánh mắt nghi ngại, Toàn xin dẫn đến một miếng đất khác, cách miếng giới thiệu ban đầu chừng vài trăm mét. Trả lời câu hỏi “để làm gì” của chúng tôi, Toàn bảo: “Đây là miếng khách mới vào hồi tháng 12 năm ngoái. Anh chị xem, chẳng phải làm gì cả, nhưng giá từ 3,9 triệu đồng đã lên 5 triệu đồng/m2 rồi”.

Theo hướng tay Toàn chỉ, miếng đất hơn 1.000m2, vừa cho khách lãi hơn một tỷ đồng trong bốn tháng, đúng là không có gì, ngoài cỏ dại và vài luống rau hàng xóm gần đó trồng nhờ.

Phía bờ tường giáp với con đường bê tông đi vào, là một dãy số lớn, ghi nguệch ngoạc, màu xỉn theo thời gian. “Số của cò đấy”, Toàn nói, đồng thời giải thích thêm là miếng đất nào ở đây, nếu không được chính chủ thừa nhận, rồi cũng rơi vào tình trạng vậy. Hễ xây tường bao, định giới xong là một khuôn đất sẽ được gắn với một cò.

“Hình như không phải số của em?” (PV hỏi), Toàn không trả lời mà chỉ cười trừ. Bốn tháng trước, vẫn khuôn đất ấy, vẫn mảnh tường bao ấy, Toàn giúp khách thu lợi tiền tỷ. Nhưng sau bốn tháng, mọi thứ được xóa sạch, dù không hề có tác động nào từ phía chủ mới.

Cơn sốt đất dự án hằn rõ trên những bước tường, nơi có các miếng đất ở vị trí đẹp. Ảnh: Bảo Thắng.


Xóm "Hà Nội"

Để vào được miếng đất Toàn giới thiệu, ở thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, Quốc Oai, khách mua phải đi qua một xóm trù phú, có nhiều nhà cao tầng, biệt thự. Đây là nơi có đường lớn, cắt ngang đường Hồ Chí Minh, và gần giáp với Ủy ban xã Phú Mãn.

Gọi là xóm "Hà Nội", bởi những người ở đây hầu hết đến từ nội thành. Nơi nào có cổng thì đóng im lìm, nơi không có thì được rào bằng tấm tôn cao quá đầu người. Từ bên ngoài, không thể thấy bên trong có gì.

Giữa lúc cố tìm một khe hở để nhòm vào trong, Toàn gọi giật lại và ra dấu im lặng. Phía xa, một thanh niên choai choai, ăn mặc trải chuốt chậm rãi tiến đến. Nách cắp một xấp tài liệu, tay cầm điện thoại bấm liên tục, người này ném cái nhìn dò xét về đám người lạ. Mãi tới khi tay này khuất bóng, Toàn mới nói khẽ: “Cò đấy”.

Hỏi thêm mới biết, xóm "Hà Nội" chỉ là cách để dân trong nghề như Toàn ám chỉ mảnh đất mà một mét vuông có 10 cò. Những nghi hoặc cuối cùng về độ khốc liệt trong thị trường bất động sản ven Hà Nội được gỡ bỏ khi chúng tôi đặt chân đến miếng đất Toàn giới thiệu. Chưa hút được nửa điếu thuốc, một bà áng chừng gần 60 tuổi ra đon đả bắt chuyện. Khi biết là khách tiềm năng, bà mời vào nhà chơi để “bàn chuyện riêng”.

Căn nhà của bà Đoan, theo lời bà tự giới thiệu, xây ngay cạnh miếng đất Toàn môi giới. Sau khi kể lể khúc nôi, bà Đoan bảo đang muốn làm lại cánh cổng, cũng là cho con trai vốn làm ăn. Bà muốn bán đất cho khách có nhu cầu, với điều kiện là chỉ lấy 100 mét vuông thổ cư trong tổng số 400 mét bà sở hữu.

Khuôn đất bà Đoan hơn 1.000m2. Nếu chia theo tỷ lệ, khách mua đáng ra phải nhận 150m2. Nhưng với lý do “sốt đất dự án” và “nhiều người hỏi mua”, bà bảo như thế là đủ để chia hai lô. Tuy nhiên, khi hỏi thêm về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bà phủi tay và nói thêm rằng “tiền trao là hết trách nhiệm”.

“Người ta đã hỏi tôi 6 triệu một m2 rồi, nhưng tôi chưa bán. 7 triệu tôi mới xem xét”, bà Đoan nhấn mạnh. Trong lúc chúng tôi nói chuyện với bà, Toàn đứng cạnh vẻ mặt khó chịu. Thỉnh thoảng, tay cò trẻ lại bấm tay tôi và nháy mắt, ý chừng ra về. Nếu không vì chưa chốt được suất đất 300m2 ngoài kia, có lẽ Toàn đã tạm biệt ra về.

Cuộc chiến giữa hai tay cò, một già một trẻ, chỉ ngã ngũ khi Toàn chưng ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đang rao. “Chia đất nhà bà thì còn khướt”, Toàn nói, không quên ném cái nhìn hằn học về phía bà Đoan. Tuy nhiên, lúc lên xe, Toàn niềm nở trở lại và khoe miếng đất anh ta rao giá tốt hơn, chỉ 6,4 triệu một m2.

Nhằm chốt đơn, Toàn tung đòn cuối. Một bài toán được đưa ra, chỉ cần một tỷ, nghĩa là một nửa tiền mua mảnh đất, là chốt được thương vụ. Phần một tỷ còn lại, Toàn khuyên đi vay ngân hàng. Với lãi khoảng 1% một tháng, nếu lướt sóng nửa năm, nhà đầu tư vẫn có thể chốt lời 100 triệu vì đất sẽ tăng khoảng 5 giá trong thời gian này.

Vay một tỷ đồng thật, chịu lãi 10 triệu mỗi tháng để kỳ vọng vào mảnh đất vẫn đang thả trâu bò liệu có mạo hiểm? Toàn bảo “Không”, vì bây giờ nhà nhà đều như vậy. Nếu có vấn đề gì thì “Cả làng cùng chịu”.

Tác giả: Bảo Thắng - Văn Việt

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP