Bộ Xây dựng nhận định, hiện một số đối tượng đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường. Bộ này cũng dẫn chứng tình trạng ở Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, TP.HCM.
Theo cơ quan này, hiện hệ thống thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương.
"Cò" tạo sốt ảo tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Mai |
Theo Bộ Xây dựng, thị trường địa ốc cũng tồn tại nhiều bất cập về giá như chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Thị trường phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.
Bộ này cho biết, sẽ đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án. Bên cạnh đó, ngành sẽ kiểm soát việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho.
Các hoạt động khác trong đầu tư kinh doanh bất động sản cũng sẽ được thanh, kiểm tra với tần suất nhiều hơn. Dựa trên kết quả đó, Bộ sẽ công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm tiến độ, chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ... Đặc biệt, ngành cũng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, bao gồm cả các loại hình bất động sản mới như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel)...
Trước đó, từ đầu năm 2019, giá đất nhiều nơi bị "cò" thổi gây hoang mang cho người mua. Mới đây, Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai công tác tín dụng năm 2019.
Đáng lưu ý, Thống đốc yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, khu vực có hiện tượng sốt đất.
Trong trường hợp cần thiết, tình hình có biến động bất thường, các đơn vị chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thống đốc biện pháp xử lý. Cùng với đó, Thống đốc yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn tin: Báo Tiền phong