Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử văn hoá – Nhà thờ Trương Quang Trạch

Nhà thờ Trương Quang Trạch (xóm 8 Đông Đài – Thạch Đài – Thạch Hà) là di tích lịch sử có từ lâu đời. Nơi đây thờ Tiến sỹ Trương Quang Trạch – người có công đối với dân, với nước giai đoạn 1670 – 1677, người làm rạng danh đất học trong vùng nói riêng, Hà Tĩnh nói chung. Nhằm gìn giữ và phát huy di sản văn hoá này, trên cơ sở các văn bản đề nghị của địa phương và cơ quan chức năng, ngày 22/6/2010, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Nhà thờ Tiến sỹ Trương Quang Trạch là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh.

Trương Quang Trạch sinh năm 1640 trong một gia đình nhà nho tại làng Thượng, xã Đông Lỗ, tổng Thượng Nhất, phủ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (một phần xã Thạch Đài và xã Thạch Linh ngày nay), thuộc đời thứ năm họ đại tôn Trương Quang. Thân phụ ông là người học giỏi, hiểu biết rộng, đỗ đạt cao nên được nhà vua mời ra làm Giám sát thủ vệ lại, nên nhân dân còn gọi là “Quan Viên phụ”. Thân mẫu ông là người cùng quê thuộc dòng họ Nguyễn văn, chị em ruột với bà “Quan Quận công” (hiện có đền thờ đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá tại xóm Nhật Tân, xã Thạch Linh). Bà là người phụ nữ hiền lành, trung hậu một mực nuôi chồng, con ăn học thành tài. Vợ chồng Quan Viên phụ sinh ra 3 người con, ngoài người anh cả là Trương Quang Trạch đỗ tiến sỹ, hai người em còn lại đều đỗ cử nhân.


Dựa vào các tài liệu lịch sử để lại cũng như lời truyền miệng của các bậc cao niên trong dòng họ Trương Quang cho thấy, thủa nhỏ, Trương Quang Trạch là người hiếu học, thông minh. 20 tuổi Trương Quang Trạch đã thi đậu cử nhân. 30 tuổi, trong kỳ thi năm Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông ông đã thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân, được ghi danh vào bia đá số 45 tại Văn miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội. Sau khi đỗ tiến sỹ, ông được nhà vua mời ra làm qua Bố chánh tỉnh Thanh Hoá. Ghi nhận tài năng của vị tiến sỹ này, sau một thời gian ngắn ông được chuyển vào triều đình làm Đế chế giám sát Ngự sử (chức quan can gián nhà Vua). Quan Ngự sử Trương Quang Trạch suốt thời gian làm quan với đức tính trung thực, cương nghị và khẳng khái, luôn luôn giữ được khí tiết của nhà nho, trung quân, ái quốc, thấu tình dân. Chính vì vậy, ông thường xuyên đứng lên phê phán, đấu tranh thẳng thắn với các quan tham, những kẻ nịnh thần mượn con đường khoa cử để mưu lợi cho mình. Sống dưới chế độ vua Lê – chúa Trịnh thối nát, Trương Quang Trạch phải đối mặt với sự dèm pha, ganh ghét của những kẻ nịnh thần. Sau đó ông bị đày đi làm quan Đốc trấn, tỉnh Cao Bằng dẹp giặc. Tại đây, bọn nịnh thần lại bày mưu tính kế hãm hại ông bằng cách cho người đưa mỹ nữ vào doanh trại đóng quân làm lung lạc tinh thần binh lính, rồi báo về triều đình vu khống ông. Sau việc này, Trương Quang Trạch bị cách chức. Bị vu oan, ông quá tức giận, uất ức mà chết vào ngày 23/6 năm Đinh Tỵ (1677), lúc mới 37 tuổi.


Di tích lịch sử văn hoá - Nhà thờ Trương Quang TrạchTrong cuộc đời làm quan ngắn ngủi của mình, Tiến sỹ Trương Quang Trạch đã để lại nhiều tiếng thơm trong dân chúng cũng như chốn quan trường, làm rạng danh cho dòng họ và xã Đông Lỗ xưa. Sau khi ông mất một thời gian, xét thấy công lao to lớn đối với dân, với nước của Tiến sỹ Trương Quang Trạch, nhà vua ban sắc phong thần, nhân dân lập đền thờ ông gọi là miếu làng Thượng và được dòng họ Trương Quang lập bàn thời bên cạnh bàn thờ tổ. Thời phong kiến, hàng năm, làng Thượng lấy ngày 15/6 âm lịch là ngày lễ hội của làng để rước sắc phong của ông từ nhà người phụng sắc đến miếu làng Thượng. Lễ rước cử hành hết sức uy nghi, hòm sắc được đặt trên 2 đòn rồng tám người khiêng, đi xung quanh là tám cây lọng, dọc đường đi có trống dong, cờ mở, mọi người lo ăn vận quần áo đẹp để rước sắc. Kinh phí tế quan Nghè được dân làng hiến ruộng đất ở xứ Đồng Quan, Mộ Đá Tiên, Cồn Nhòi làm ruộng công điền lấy hoa lợi.


Di tích nhà thờ Trương Quang Trạch được khởi dựng vào năm 1678 (sau một năm kể từ ngày ông mất) dưới triều vua Lê Huyền Tông, có tên là miếu làng Thượng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ, kết hợp với thời gian và sự thiếu ý thức của con người, di tích đã bị xuống cấp và biến thành phế tích. Nhờ sự đóng góp của con cháu trong dòng họ và các nhà hảo tâm, nhà thờ Trương Quang Trạch được xây dựng lại vào năm Quý Mùi (2003) trong khuôn viên nhà thờ họ Trương Quang. Hàng năm, con cháu dòng họ Trương Quang tổ chức tế quan Nghè vào ngày 23/6 âm lịch. Quỹ khuyến học dòng họ cũng được xây dựng từ năm 2003 (nay đổi thành quỹ học bổng Tiến sỹ Trương Quang Trạch) nhằm khen thưởng, động viên con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.


Việc bảo vệ, giữ gìn di tích nhà thờ Trương Quang Trạch – vị danh nhân có công trong lịch sử dân tộc có giá trị lịch sử rất lớn. Di tích này được gìn giữ là chứng cứ lịch sử quan trọng để góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, tinh thần yêu nước, yêu đồng bào đối với thế hệ trẻ. Qua đó, khích lệ lòng tự hào dân tộc và gìn giữ cội nguồn bản sắc văn hoá, động viên các thế hệ đem hết sức mình cống hiến xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.


Nguyễn Văn Lý

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP