Kể từ khi Dự án mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu triển khai, người dân trên địa bàn rất phấn khởi, ủng hộ. Ngày 3-12, chúng tôi đến xã Thạch Hải, đây là một trong 6 xã nằm trong vùng quy hoạch khai thác của mỏ sắt Thạch Khê, theo kế hoạch, năm 2013 sẽ di dời 100% các hộ dân ra khu vực tái định cư.
Công trường đang thi công ở mỏ sắt Thạch khê. |
Những tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng. Tiếp chúng tôi trong căn phòng ẩm thấp và đã xuống cấp từ lâu, ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải buồn rầu, nói: “Các anh thấy đấy, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nguồn thu ngân sách xã không có để tu sửa. Việc cam kết của Công ty khai thác sắt Thạch Khê về hỗ trợ xây dựng một số công trình trên địa bàn xã đến nay vẫn chưa thực hiện; đời sống nhân dân ngày càng giảm sút, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, các loại cây hoa màu và kể cả cây ăn trái lâu năm cũng chết; hộ đói nghèo ngày càng tăng nhanh; môi trường sinh hoạt ô nhiễm nghiêm trọng”.
Gia đình chị Võ Thị Vựng ở xóm Thượng Hải là một trong những hộ đã thu hồi 100% đất sản xuất cho dự án, chị cho biết: “Gia đình có 5 nhân khẩu, chồng vừa mất vì bệnh nặng. Trước đây gia đình có hơn 3000m2 đất sản xuất, song đã bị thu hồi năm 2009, nhưng chưa được đền bù. Hai người con lớn phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống, đứa út bị bệnh nên không giúp được nhiều cho mẹ”. Hằng ngày, chị Vựng phải đi nhặt củi khô bán để kiếm sống qua ngày. Chị rất mong sớm có chính sách giải quyết để gia đình ổn định cuộc sống.
Hồ lắng khai thác quặng nay hoang tàn, không có người trong coi. |
Chúng tôi ra thăm hồ lắng của dự án. Hồ có diện tích rất lớn, xung quanh được bao bằng bờ cát sơ sài, đã bị sạt lở nhiều đoạn. Người dân ở đây cho biết, những cơn mưa lớn đã khiến nước tràn bờ mang theo bùn và cát phủ kín ruộng đất sản xuất. Ông Võ Văn Tỷ, Bí thư chi bộ xóm Thượng Hải cho biết thêm: Trong quá trình khai thác, cát và chất thải tràn ra san bằng cả mồ mả, có những ngôi mộ phải sử dụng máy múc đào bới mà cũng không tìm lại được. Việc đền bù di dời mộ và xây dựng nghĩa trang mới, Công ty khai thác sắt Thạch Khê đã ngừng thực hiện nên nhân dân rất bức xúc.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết trong những năm qua UBND xã đã gửi rất nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên và các ban, ngành hữu quan, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đơn thư của nhân dân gửi lên chính quyền xã thì ngày càng nhiều; tâm trạng người dân địa phương ngày càng lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nói: “Chúng tôi đã làm hết khả năng của địa phương, ngay từ khi triển khai dự án đã tuyên truyền, động viên nhân dân kiểm đếm giải phóng mặt bằng… đúng yêu cầu của phía doanh nghiệp. Đến nay dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đang tìm mọi cách để “an dân”, tránh để xảy ra tụ tập khiếu kiện đông người. Phần việc còn lại đành phải tiếp tục chờ”. Theo ông Hương, hiện nay ngoài sự nỗ lực làm hết trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần phải chờ sự vào cuộc có trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê và các cổ đông của Công ty khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 11-7-2011 và thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê, ngày 17-2-2012.
Chúng tôi đã tìm cách liên lạc với những người lãnh đạo Công ty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê, hy vọng sẽ nhận được câu trả lời cho thực trạng trên, nhưng chưa thể liên lạc được.
Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN
(Theo QĐND)