Di tích - Thắng cảnh

Đền thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc ở Đức Thọ: Di tích LS-VH cấp quốc gia đã thành phế tích: p2

Năm 2001, phát hiện ở thôn Yên Mỹ còn lưu giữ 13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng Hoàng thái hậu Bạch Ngọc do cụ Trần Ngọc Cận, 80 tuổi (thủ từ) cất giữ từ lâu, ba ông Trần Võ Trang, Nguyễn Trung Tín và Trần Trạch ở làng Thọ Tường “mua lại” với giá 500.000 đồng.

hatinh24h

Bài 2: Cần đặt đúng vị trí hồn thiêng di tích lịch sử cấp quốc gia

Có được sắc phong trong tay, những người này cấu kết với vài quan chức trong xã lập miếu tại thôn Thọ Tường. Suốt bốn năm từ 2004 – 2007 họ làm nhiều hồ sơ và tờ trình gửi lên tỉnh vẫn không được các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Tuy trong sắc chỉ của vua Lê Thánh Tông ghi rõ: “…Sắc chỉ Hà Tĩnh tỉnh, Đức Thọ phủ, La Sơn huyện, Yên Thái xã, Yên Mỹ, Yên Phú nhị thôn Trần Hoàng Thái hậu miếu tiết mông ban cấp sắc chỉ chuẩn nhĩ nhị tôn phụng sự”. Nội dung của sắc phong đã chỉ rõ địa chỉ như vậy, Viện trưởng Viện Sử học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng khẳng định lại đúng như sắc chỉ tại Công văn số 41/VSH, ngày 8-4-2004 gửi Bảo tàng Hà Tĩnh. Vậy mà một nhóm người đã cố tình dùng quyền lực áp đặt tô vẽ nên một địa chỉ mới đặt di tích lịch sử cấp quốc gia vào một vị trí chật hẹp vô hồn trái với nguyên trạng ban đầu ở địa điểm khác, trái với niềm tin và lòng mong mỏi của nhân dân địa phương. Cuối tháng 11-2012, phóng viên gặp gỡ các cụ già cao tuổi nhất ở thôn Yên Mỹ, Yên Thái (từ 80 tuổi trở lên) và những người am hiểu lịch sử khu vực địa danh nhân kiệt này. Cụ Trần Văn Ngữ, Đại tá Quân đội nghỉ hưu và nhiều cụ cao niên đại diện cho hơn 313 hộ dân ở hai thôn này cho biết: Di tích Lịch sử Quốc gia bị biến thành phế tích là do một nhóm người mua được 13 sắc phong đem cất giấu rồi cấu kết với một số cán bộ xã, được sự tiếp tay của ông Trần Hồng Dần, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh và ông Nguyễn Trí Sơn, Trưởng phòng Quản lí Di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL) cùng ông Trần Điều, Trưởng ban Lễ nghi thôn Thọ Tường làm hồ sơ bịa đặt nhiều chi tiết sai sự thật dựng lên đền Liên Minh.

Lập đền thờ tự kiểu “vô văn hóa”

Năm 2008, khi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Nhóm những người kể trên đã cấu kết với Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đập bỏ nhà kho hai tầng làm nhà vượt lũ của thôn Văn Thọ để lấy một khoảnh đất nhỏ ngay cạnh trụ sở UBND xã Liên Minh làm nơi thờ tự Thánh Mẫu. Hạ điện miếu Văn Thánh là căn nhà tước đoạt của gia đình ông Tao Cừ bị quy là địa chủ. Ban đầu xã lấy căn nhà này làm nhà dệt thủ công, sau đó đem ra làm Trạm Y tế xã bao gồm nhà hộ sinh. Những kẻ vô văn hóa đã lấy sắc chỉ, di hiệu, thần hiệu của đền Yên Mỹ khắc đắp vào miếu Văn Thánh, chuyển tên từ miếu Văn Thánh Thọ Tường thành đền Liên Minh, lập hồ sơ đề nghị cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia. Ông Đặng Chuyên, Chủ tịch UBND xã bức xúc không kí tên, đóng dấu vào hồ sơ vì lí lịch Di tích có nhiều chi tiết không chính xác. Đền Liên Minh lập năm 1978 nhưng lí lịch Di tích cho rằng “Di tích đền Liên Minh thời Nguyễn thuộc địa danh hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú xã Yên Thái… nay thuộc địa phận thôn 2, xã Liên Minh”. Hai bức tượng thần gác cổng chùa, mới đắp vào năm 2002 mà nhóm người cơ hội thổi phồng: “được xây dựng từ thời vua Thành Thái”. Việc làm này không những vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy phạm đạo đức xã hội. Nhân dịp xã Liên Minh tổ chức họp tổng kết 10 năm Công tác Mặt trận, ông Trần Điều, Trưởng ban Lễ nghi tổ chức một nhóm phụ nữ kéo đến trụ sở UBND xã buộc Chủ tịch UBND xã phải kí xác nhận vào hồ sơ. Ngày 13-1-2009 (âm lịch), UBND xã Liên Minh tổ chức đón nhận Bằng Di tích Lịch sử Quốc gia. Nhân dân hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú không đến dự lễ mà tự treo cờ, căng bạt lập miếu thờ cúng Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc tại đền thờ cũ trên vùng đất “Trùa”, phản đối cách làm áp đặt của UBND xã. Từ đó đến nay, hơn 300 hộ dân hai thôn Yên Phú, Yên Mỹ (nay là thôn 6 và thôn 7) liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Phẫn uất trước sự vô cảm này, ba lần nhân dân hai thôn kéo nhau đến Sở VHTTDL Hà Tĩnh phản ảnh trực tiếp với các nhà chức trách. Ông Sơn, Trưởng phòng Quản lí Di tích Sở VHTTDL Hà Tĩnh dọa: “Đền Liên Minh không có và không đủ yếu tố, nếu dân phản ảnh quá thì sẽ đề nghị thu hồi bằng”. Ngày 11-8-2010, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh Võ Hồng Hải kí Văn bản số 406/SVHTTDL-DS gửi Thanh tra Bộ VHTTDL, khẳng định: “Tại thôn 6 và 7 (thôn Yên Mỹ cũ) xã Liên Minh trước đây có bốn ngôi đền thờ những người có công với nước với dân, đúng như đơn phản ảnh của người dân… Nguyện vọng của nhân dân địa phương xin phục hồi lại các di tích này là chính đáng. Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ”. Ông Hải cho biết, sẽ kiểm điểm và kỉ luật những người làm sai lệch hồ sơ. Bốn lần Sở VHTTDL cử cán bộ chuyên môn về xác minh, nhưng đều gặp và làm việc với những người đã làm sai lệch hồ sơ! Các cụ già và những người am hiểu tường tận, họ chẳng gặp gỡ.

Ông Trần Hoài Đức, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Ông vừa mới về nhậm chức hơn hai tháng, chưa vào đền. Đề nghị các ngành chức năng sớm ban hành văn bản pháp quy và mong muốn các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân ủng hộ nguồn vốn để xây dựng lại khu di tích – văn hóa phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Còn ông Trần Quốc Phẩm, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Liên Minh, cựu Bí thư Đảng ủy xã đã nhận khuyết điểm trước đây do xã có sai phạm trong việc lập hồ sơ và lí lịch di tích, phải sửa để tạo niềm tin trong nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, một quan chức cấp cao của Hà Tĩnh khẳng định: “Phải đưa đền thờ Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc trở về đúng vị trí cũ”. Trong khi đền thờ do xã xây dựng không ai viếng thăm, còn người dân hai thôn tự lập miếu thờ Thánh Mẫu thì Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh Nguyễn Quang Vinh buộc phải dời đi nơi khác, hỏi “nơi nào” thì ông Bí thư làm thinh. (Còn nữa)

Thiên Thanh – Tùng Lâm – Hải Đăng

NCT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP