Từ đường lên đền có 7 cấp xây bằng đá ong. Tường phía trước dài 15m, cao 1,5m, có 2 bức phù điêu hình ngựa. Cổng vào rộng 4,5m hai bên có 2 cột nanh cao 6,5m, trước năm 1997 đã gãy 1 cột – năm 1995 mới xây lại, đỉnh mỗi cột nanh được đắp nghê hướng mặt vào giữa, 4 phía là phù điêu rùa đội sen, rồng chầu mây, chim phượng, mình ngựa đầu rồng. Bước qua cổng là Tắc Môn rộng 2,3m, cao1,5m, mặt ngoài có phù điêu 2 rồng chầu lửa, mặt sau mình ngựa đuôi rồng. Sau tắc môn có 2 cột đèn cao 1,7m cột vuông, hộp đèn rỗng có chân đặt nến. Tiếp đến là nhà Bái đường. Bái đường bị hư hỏng từ năm nào không rõ, chỉ còn lại nền xi măng và 18 đá kê chân cột, nền nhà rộng 64,2 mét vuông, có 3 bệ thờ cao mỗi bệ 1,05m. Năm 1997, Bảo tàng Hà Tĩnh cấp kinh phí chống xuống cấp cùng với sự ủng hộ của nhân dân UBND xã Phú Phong đã tìm mua được một ngôi nhà giống hệt như xưa, đồng thời đặt một tấm bia đá trên đó khắc tên 11 liệt sỹ hy sinh trong cuộc biểu tình tại đây. Sau nhà Bái là 3 điện bố trí theo hình chữ Môn. Điện giữa rộng 2,7 mét vuông, cao 2m, điện 2 có diện tích là 2,52 mét vuông, cao 1,95m và điện 3 rộng 2,38 mét vuông, cao 1,95m. Nền cả 3 điện đều được xây 3 cấp. Điện kiểu nhà hộp sàn bằng gỗ, xà ngang, xà dọc kéo dài chạm trổ đầu rồng ngậm hạt ngọc. Xung quanh thưng ván trên đó chạm hình chim phượng cắp cuốn thư, hạc cưỡi lưng rùa, cá chép hoá rồng, hoa văn hoa lá có dáng hoạ tiết thời Lê – Nguyễn cùng với hoạ tiết sóng, mây…tất cả đều sơn son thiếp vàng rất đẹp.
Ba Điện thờ bố trí theo hình chữ Môn
Đồ thờ trong đền có 9 long ngai, 6 mũ cánh chuồn, 6 hộp quả, 2 lư hương bằng gỗ, 9 gươm gỗ, 6 bài vị, 10 đạo sắc của các triều đại phong gồm Thiệu Trị 2 đạo, Tự Đức 2 đạo, Đồng Khánh 1 đạo, Duy Tân 1 đạo, Thành Thái 1 đạo, Khải Định 3 đạo. ( trước đây có 15 đạo do việc hợp tự nên 5 đạo từ đền Nhạ Sơn thuộc xã Hương xuân rước về đây, năm 2011 đền Nhạ Sơn được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh đã rước trả lại cho đền Nhạ Sơn).
So với các đền ở Hương Khê thì đền Cơn Chay là đền có câu đối nhiều nhất, sâu sắc về ý nghĩa, uyên bác về ngôn từ. Do thời gian dài không được bảo vệ nên hầu hết câu đối bị xước tróc không đọc được nữa cho nên năm 1995 khi lập dự án tôn tạo Ban dự án không thể đưa nội dung câu đối vào bản thiết kế. Đây là một nội dung không thể thiếu vì vậy Uỷ ban nhân dân xã Phú Phong đã tìm rất nhiều cụ cao tuổi để sưu tầm, rất may gặp cụ Nguyễn Văn Thơi nguyên là cán bộ Ty Văn hoá Hà Tĩnh nghỉ hưu. Cụ cho biết hồi nhỏ cụ thường mang vở lên đền tập viết chữ Hán, nên thuộc lòng nhiều câu, cụ đã chép lại cả chữ Hán và dịch nghĩa. Phòng Văn hoá- Thông tin huyện đã xin Bảo tàng Hà Tĩnh thẩm định, Bảo tàng Hà Tĩnh đã gửi đến các cụ thông nho như cụ Thái Kim Đỉnh, cụ Võ Hồng Huy… cho ý kiến. Sau 1 tuần nghiên cứu các cụ đã kết luận thống nhất như bản của cụ Thơi. Đúng là cái thiêng nào cũng được neo đậu ở lòng người, khi cần lại thức tỉnh cho nhân tâm. Xin chép ra 13 cặp câu đối, và 3 bức đại tự như sau:
1/ Tự cổ chu hữu lễ – Vu kìm Phú nhi phong
2/ Tục Tống thiên thu tiêu trụ thạch – Phù Viêm nhất mộng tịnh ba đào
3/ Trạc quyết linh tại thượng tại tả hữu – Mạc trắc giáng sơn như cương lăng
4/ Mặc tưởng huyền cơ lăng vạn nhẫn- Anh linh hiển ứng trạc thiên thu
5/ Mục sở thị thủ sở chỉ kỳ nghiêm- Uy khả tắc nghi khả tượng như tại
6/ Biên cương khổn ngoại can thành tráng- Chung cổ lầu trung khắc lậu trường
7/ Xuất nhập khởi kính giả- Chỉ thị kỳ nghiêm hồ
8/ Phong thuỷ trung gian hảo- Hương hoả vạn niên tân
9/ Bắc triều trung nghĩa thánh – Nam quốc thượng đẳng thần
10/ Tùng thanh, trúc thanh, chung khánh thanh, thanh tự tại – Sơn săc, thuỷ song đài sắc, yên hà sắc,sắc sắc giai phong
11/ Vạn cổ phong sơn chung tú khí- Thiên thu Tiêm thuỷ hiển linh anh
12/ Hách trạc lôi oanh tân vũ trụ- Nguy nga nhật lệ cựu giang sơn
13/ Nguy nhiên chính khí tôn thiên địa- Ngật nhị song đài tráng cổ kim
Và 3 bức đại tự :
Sơn Dục Hà Chung
Dương Tại Thượng
Trạc Quyết Linh
( xin bạn đọc tôi không nêu vị trí đặt và dịch nghĩa các câu đối, Đại tự, có thể tôi sẽ giới thiệu ở một bài viết riêng )
Các vị thần được thờ ở đền Cơn Chay : Do việc hợp tự nên các vị thần thờ ở các đền của xã Phú phong, Xuân Lũng đã rước về thờ ở đây gồm:
- Đức thánh Đại Càn
- Đức thánh Mẫu Hồ Trung
- Đức Bản thổ thành hoàng
- Đức thánh Thanh Y ngọc nữ
- Đức Phong Sơn khai hoá
- Đức thánh Tiêm Giang tế độ thần nữ
- Đức Trụ vương linh ứng
- Đức tả Thái giám Ngô thượng tướng công
- Liệt vị Tôn thần xã Xuân Lũng hợp tự
- Liệt vị anh hùng địa phương (các liệt sỹ Rộc Cồn – sẽ nêu ở phần sau)
Bãi Roọc cồn nơi diễn ra cuộc biểu tình chống Thực dân Pháp ngày 20/4/1931
BÙI NGỌC BÍCH