Đê hữu sông Lam nối từ chân cầu Bến Thuỷ đến xã Xuân Hải huyện Nghi Xuân với chiều dài gần 10km. Thời điểm PV có mặt tại tuyến đê này được chứng kiến một hình ảnh rất phản cảm đó là rác thải bủa vây khắp mọi nơi kể cả trên mặt thân đê.
Rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi. |
Rác được tập kết ở đê hữu sông Lam có đủ chủng loại từ bao bì, chai lọ, gốc cây đến phụ phẩm chế biến thức ăn cho người và vật nuôi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đặc biệt hơn ngay trên mặt thân đê xuất hiện hàng chục điểm đổ phế thải vật liệu xây dựng, gạch đá, vữa xi măng… chất thành từng đống lớn khiến cho việc đi lại của nhân dân vô cùng khó khăn, cách trở.
Nhiều người dân sống ven đê hữu sông Lam bức xúc phản ánh: Ô nhiễm môi trường nước, không khí thì đã rõ, nhưng họ lo lắng hơn là khi chẳng may xẩy ra thiên tai, bão lũ thì tuyến đê xung yếu này sẽ không thể phát huy tác dụng trong cứu hộ, cứu nạn người và tài sản. Bởi phế thải vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang trên thân đê tại nhiều vị trí khác nhau nên rất khó có thể bốc dỡ, di dời hoặc xử lý một cách triệt để.
Trước những bức xúc, lo lắng của người dân chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Trình- Trưởng phòng Nông nghiệp& PTNT huyện Nghi Xuân, vị này cho biết: Để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ huyện đã quán triệt các xã, thị trấn nghiêm cấm người dân đổ rác bừa bãi đặc biệt là phế thải vật liệu xây dựng trên thân đê. Tiếp tục yêu cầu các địa phương có đê đi qua khẩn trương huy động máy xúc thu gom phế thải vật liệu xây dựng để vừa giải toả hành lang vừa có thể tận dụng đắp đường giao thông và thi công các công trình hạ tầng.
Đất đá, gốc cây tập kết trên thân đê. |
Rác thải đang hàng ngày, hàng giờ bức tử đê hữu sông Lam khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy nhưng tại buổi làm việc với ông Hoàng Tiến Anh- Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nghi Xuân thì chỉ nhận được những câu trả lời vòng vo, sáo rỗng, thiếu thuyết phục xung quanh việc chuẩn bị triển khai đề án này, đề án nọ, khu xử lý rác thải kia. Nghĩa là việc xử lý vấn nạn rác thải tại đê hữu sông Lam xem ra còn lắm xa vời!
Nghi Xuân, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du và rất nhiều danh nhân văn hoá khoa bảng. Những tiềm năng, thế mạnh về xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch dịch vụ đang được huyện tích cực triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực. Hy vọng rằng trên chặng đường đổi mới đi lên vấn nạn rác thải tại đê hữu sông Lam sẽ được huyện quan tâm, xử lý, trả lại môi trường trong lành theo đúng nghĩa./.
CTV Văn Chương/VOV.VN