Tin Hà Tĩnh

Đại hạn kéo dài, Hà Tĩnh tính phương án đắp đê quai xanh cứu lúa hè thu

Đại hạn kéo dài đã khiến không ít diện tích lúa hè thu ở Hà Tĩnh thiếu nước, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, nguy cơ gây thiệt hại năng suất.

Đại hạn khiến nước sông Ngàn Phố trơ đáy, trạm bơm Sơn Bằng và Tân Mỹ Hà treo hơn 1,2m. Ảnh: Thanh Nga.

Trong cái nắng hè bỏng rát, khoảng 50 ha lúa hè thu vùng cuối kênh của các trạm bơm xã Sơn Bằng và Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) luôn trong tình trạng “ngóng” nước trời.

Theo bà con, có những thời điểm, mây ùn ùn kéo đến, trời tối sầm cả một vùng suốt nhiều giờ nhưng cuối cùng cũng chẳng có giọt mưa nào đổ xuống, nhiều diện tích lúa đang dần héo mòn, quay quắt, không thể phát triển.

Chị Nguyễn Thị Hòa, xã Tân Mỹ Hà gieo cấy 3 sào giống nếp 98. Thời điểm này lúa đang giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng, rất cần nước để thúc sinh trưởng và đề phòng sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, gây hại.

Tuy nhiên, cả tháng trời không có mưa, sông Ngàn Phố cạn nước, trạm bơm không thể bơm tưới khiến toàn bộ diện tích rơi vào tình cảnh đại hạn.

“Nếu nắng kéo dài khoảng vài tuần nữa mà không có nước tưới từ trạm bơm chắc chắn 3 sào lúa của gia đình sẽ chết khô”, chị Hòa lo lắng. Dù lường trước được sản xuất vụ hè thu sẽ gặp khó khăn về nguồn nước nhưng chị không nghĩ năm nay hạn lại khốc liệt như vậy.

Tại huyện miền núi Hương Khê, nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến diện tích lúa hè thu cuối nguồn các xã Hương Giang, Lộc Yên (cuối kênh Khe Táy); Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải (cuối nguồn của kênh Sông Tiêm); Phú Phong (cuối nguồn kênh Giữa của đập dâng sông Tiêm) đang nằm trong vùng báo động hạn hán.

Nhiều hồ đập ở huyện Hương Khê đã ở mực nước chết. Ảnh: Thanh Nga.


Ông Nguyễn Xuân Thành, Trạm trưởng Trạm bơm sông Tiêm (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho hay, tình hình nước tưới cho sản xuất trên địa bàn huyện Hương Khê đang rất căng cẳng. Nhiều hồ, đập trên địa bàn như: Cơn Song, Cơn Trồi, Cha Chạm, Khe Con…, mực nước chỉ còn khoảng 20 - 40% dung tích thiết kế, nếu không có mưa thì chỉ còn đủ tưới dưỡng cho lúa 1 - 3 đợt nữa (vụ hè thu cần khoảng 7 đến 8 đợt tưới - PV).

“Điều đáng lo ngại là nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi nhanh nên các đợt tưới phải kéo gần, bình thường từ 7 - 8 ngày mới cần tưới 1 đợt nhưng đợt này cứ 4 - 5 ngày là phải tiến hành tưới rồi. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng máy bơm dã chiến để cố gắng đảm bảo cung cấp nước tưới cho các giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lúa”, ông Thành nói.

Vùng đồng bằng các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… dù nguồn nước hồ Kẻ Gỗ đang đảm bảo tạo nguồn, song hệ thống kênh dẫn một số khu vực đầu tư chưa đồng bộ, lượng nước tưới thất thoát lớn nên một số xã cuối kênh của các huyện này vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

Đơn cử, gần 80 ha lúa của thôn Long Minh, Bùi Xá, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà đang dần bạc trắng, nứt nẻ vì đại hạn.

Theo ông Đặng Hữu Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, để cấp được nước về thôn Long Minh, Bùi Xá, địa phương phải lấy từ 2 nguồn là trạm bơm Cầu 23 (thôn Long Minh) và trạm bơm thôn 7 (xã Lưu Vĩnh Sơn).

Nông dân lập nhiều trạm bơm giã chiến để lấy nước cứu lúa hè thu. Ảnh: Thanh Nga.


Tuy nhiên, nguồn nước trạm bơm Cầu 23 đi qua khu vực dân cư nên thất thoát lớn, lượng nước ít không đủ để cứu lúa. Vì thế, xã phải làm việc với xã Lưu Vĩnh Sơn để “xin” chia sẻ nguồn nước từ trạm bơm thôn 7. Khi Lưu Vĩnh Sơn đủ nước thì cán bộ thủy nông của xã bơm lên hệ thống kênh thôn Long Minh để tưới chống hạn, tốn kém thêm chi phí rất nhiều nhưng cũng không còn cách nào khác...

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, nguồn nước năm nay cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho khoảng hơn 44.800 ha lúa. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ sản xuất, hơn 1.000 ha lúa trên toàn tỉnh đã được dự báo sẽ thiếu nước. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, ít mưa từ đầu tháng 6 đến nay, tình trạng thiếu nước diễn ra càng căng thẳng hơn, đáng báo động là các địa phương: Hương Xuân, Điền Mỹ, Gia Phố, Phú Phong (Hương Khê); Xuân Trường, Xuân Lĩnh (Nghi Xuân); Kỳ Khang, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh)…

“UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã ban hành nhiều Công điện, văn bản chỉ đạo các công ty thủy nông, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, vẫn phải ưu tiên hàng đầu cấp nước phục vụ sinh hoạt, dân sinh, chống hạn cho các công trình trạm bơm, cống tạo nguồn ngăn mặn giữ ngọt khi mực mước trong đồng và ngoài sông bị hạ thấp hoặc độ mặn tăng cao quá mức cho phép”, ông Phạm Đăng Nhật, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin thêm.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP