Xin ý kiến khi sửa báo cáo kết quả thanh tra
Bước vào bục khai báo, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục nói năng lắp bắp và sau đó phải xin tạm dừng để bình tĩnh trở lại và được chủ tọa đồng ý.
Bị cáo Nhàn sau đó khai báo rõ ràng hơn và thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Lời khai của bị cáo Nhàn thể hiện, bản thân bị cáo này là trưởng đoàn thanh tra tiến hành thanh tra Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong các năm 2017 – 2018 nhưng đã sửa đổi kết luận, báo cáo không trung thực tình trạng của tổ chức tín dụng.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. |
Hành vi báo cáo không trung thực, bao che, bưng bít thông tin của cựu nữ Cục trưởng Cục II Đỗ Thị Nhàn và nhóm cán bộ NHNN đã giúp SCB không bị đưa vào diện theo dõi đặc biệt mà tiếp tục được "tái cơ cấu", tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan thao túng, rút tiền của ngân hàng. Sau đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), 4 lần gặp Nhàn, đưa hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD.
Khai báo về hành vi nhận hối lộ, nữ cựu Cục trưởng Cục II cho biết, bà ta không muốn nhận tiền nhưng bị Văn dọa: "Đừng làm khó Văn và cũng đừng làm khó bản thân". Bị cáo Nhàn kể, đoàn thanh tra từng trả lại quà của SCB một lần và sau đó, có một người tự xưng là bạn của Văn đến nơi làm việc để "nói chuyện" nhưng: "Tất cả, 8 – 9 người trong đoàn đều không quen người này nên rất sợ".
Sau khi nhận tiền, bị cáo Nhàn để một phần ở nhà và mang một phần về quê Nam Định, gửi 2 người họ hàng, nói "cho chị gửi cái này ở đây" và dù đây là số tiền lớn, bị cáo không nói rõ nó từ đâu, 2 người cho gửi cũng không hỏi từ đâu mà có.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát - bị cáo Trương Mỹ Lan. |
Cựu Cục trưởng khai thêm, sau đó từng nhiều lần gọi điện cho Võ Tấn Hoàng Văn đề nghị trả lại tiền nhưng không được và khi Văn bị khởi tố, bà ta định trả số tiền này nhưng... sợ. Đến khi làm việc với Cơ quan Điều tra, bị cáo Nhàn mới trình báo mọi việc, gồm cả số tiền 5,2 triệu USD.
Về hành vi sửa báo cáo kết quả thanh tra, bị cáo Nhàn cho rằng mình có xin ý kiến bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra NHNN). Bị cáo Nhàn khẳng định đã báo cáo đầy đủ các sai phạm của SCB.
Chủ tọa hỏi: "Vẫn phản ảnh SCB xấu nhưng không xấu đúng thực tế khách quan. Nếu đúng, SCB phải kiểm soát đặc biệt lâu rồi?". Không trả lời thẳng câu hỏi nhưng bị cáo Đỗ Thị Nhàn bày tỏ sự đồng ý quan điểm của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa.
Chồng Trương Mỹ Lan khai “vợ bảo thì ký”
Cũng tại phiên tòa sáng 8-3, với sự hỗ trợ của người phiên dịch, tỷ phú Chu Lập Cơ (chồng bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan) được Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn. Bị cáo Chu Lập Cơ khai, do không biết Tiếng Việt nên khi vợ (tức Trương Mỹ Lan) yêu cầu là ký và không biết sau khi ký sẽ trở thành tội phạm.
Bị cáo Chu Lập Cơ - chồng bị cáo Trương Mỹ Lan. |
Bị cáo Chu Lập Cơ có tên “nguyên nghĩa” là Chu Nap Kee Eric, tỷ phú người Hồng Kông (Trung Quốc) và là Chủ tịch Công ty Times Square tại Việt Nam. Bị cáo này bị cáo buộc trong các năm 2012 và 2017, theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan đã ký khống nhiều biên bản đại hội cổ đông, HĐQT để thế chấp tài sản của Công ty Times Square, bảo lãnh cho 73 khoản vay tại SCB.
Hành vi của Chu Lập Cơ giúp sức Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định tại SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 9.116 tỷ đồng. Hành vi này bị xác định là đặc biệt nghiêm trọng nhưng bị cáo cũng được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác cơ quan tố tụng.
Chu Lập Cơ đang bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại khoản 3, Điều 179 - Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt tù từ 10 – 20 năm (điều khoản tương ứng ở luật 2015 có khung 12 – 20 năm tù).
Tiến hành khai báo tại tòa, bị cáo Cơ cho hay, năm 2012 từng ký văn bản thế chấp tài sản để giúp Trương Mỹ Lan tái cơ cấu SCB, giúp ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Năm 2017 ông ta tiếp tục ký nhưng nghĩ: “Việc ký như năm 2012, đảm bảo khoản vay, cấu trúc lại ngân hàng này thôi. Tôi không nhận ra sự khác biệt giữa 2 lần này”.
Tỷ phú Hồng Kông nói thêm, bản thân không biết Tiếng Việt, cũng không ai trao đổi cho ông ta bằng Tiếng Việt nên không nắm được nội dung mình đã ký. Trước câu hỏi ký theo yêu cầu của ai, Chu Lập Cơ khẳng định: “Vợ tôi, chỉ có vợ tôi yêu cầu. Tôi luôn ký theo lời của vợ tôi còn ngày tháng ký cụ thể không nhớ”.
Bị cáo Cơ cũng khẳng định, không biết tài sản thế chấp của mình đã được những ai đứng tên khoản vay, vay bao nhiêu và không biết những người này… Chủ tọa nêu câu hỏi, tính đến tháng 10-2022, hậu quả các khoản vay xuất phát từ Chu Lập Cơ đã lên tới 9.116 tỷ đồng, vậy bị cáo có suy nghĩ gì?
“Tôi không biết ký thế này là vi phạm, dẫn tới tội phạm và sau việc làm này, tôi thành tội phạm. Ký thế này hậu quả rất nặng nhưng trước đây tôi không nhận thức được. Tôi muốn khắc phục hậu quả” – chồng bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan phân trần.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Chu Lập Cơ đề nghị tòa xác định việc con gái của ông ta và bà Lan là Chu Duyệt Phấn được ủy quyền đi đòi nợ. Chủ tọa cho hay không cấm việc này nhưng tài sản thu về phải được báo cáo để xử lý theo quy định của pháp luật, không phải của gia đình Trương Mỹ Lan.
Tác giả: Xuân - Lâm
Nguồn tin: anninhthudo.vn