Bản Rào Tre nằm lọt thỏm dưới chân núi Kà Đay. Khi mới được phát hiện, người Chứt chỉ là một nhóm người sống du canh du cư trong các hang đá ở rừng sâu, nhưng đến nay bộ tộc này đã có 34 hộ với hơn 135 nhân khẩu. Với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, giờ đây cuộc sống của bà con bản Rào Tre đã có nhiều sự đổi thay, tiến bộ. Bà con đã biết làm lúa nước để tự túc lương thực, biết chăn nuôi trâu bò để lấy sức kéo và phân bón để phục vụ cho sản xuất, nuôi lợn gà để phục vụ đời sống.
Vào bản Rào Tre hôm nay, trước mắt chúng tôi là những con đường được rải nhựa và bê tông hóa, điện lưới đã vào tận bản, trường học được đầu tư xây dựng… Cả bản đã có 10 chiếc xe máy, trên 70% số hộ có phương tiện nghe nhìn, sóng điện thoại và Internet đã tới được tận bản. Bà con còn được sử dụng nước sạch,… con em đến tuổi đi học đều được đến trường. Chính vì thế mà những tập tục lạc hậu tồn tại bao đời nay của người Chứt đang từng bước được đẩy lùi.
Trung tá Dương Thanh Tịnh – Tổ trưởng Tổ công tác Bộ đội Biên phòng bản Rào Tre cho biết: “Thời gian mới đưa bà con về sống định canh định cư ở bản gặp không ít khó khăn vất vả. Được bộ đội làm nhà, nhưng do thói quen sống ở rừng nên ở được vài hôm là bà con lại bỏ vào rừng, anh em lại đi tìm vận động và đưa họ trở lại bản. Sau bao năm cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất để cầm tay chỉ việc cho bà con, nên cuộc sống bà con từ thiếu đói triền miên nay đã đủ ăn và có hộ đã có của để dành. Nhận thức của bà con ngày càng được nâng lên. Trẻ em được đến trường, lúc ốm đau bệnh tật họ đã biết đến bệnh xá để khám và điều trị chứ không mời thầy mo về cúng như trước”.
Đẩy lùi bệnh tật, lạc hậu
Địa bàn người Chứt ở thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hương Khê, giao thông cách trở, xa trung tâm, cuộc sống còn nhiều khó khăn, hôn nhân cận huyết thống, ngủ trong hang đá, ăn uống không đảm bảo vệ sinh… là những nguyên nhân làm cho bệnh tật phát sinh và dễ lây lan trong cộng đồng. Cứ có người trong làng mắc bệnh bà con lại nghĩ ngay do con ma rừng làm nên mời thầy mo về cúng đuổi ma. Việc làm này khiến bệnh tật không những không khỏi mà ngày càng nặng hơn.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, tháng 6.2013, Trạm xá quân dân y kết hợp với quy mô 3 phòng khám, 10 giường bệnh và phòng lưu trú cho bệnh nhân ở bản Rào Tre được khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhiều ca đã được trạm xá xử lý, điều trị kịp thời như trường hợp anh Lê Văn ở xã Hương Liên. Anh Văn bị tai biến, khi được gia đình đưa đến trạm xá đã bị liệt nửa người. Các y, bác sĩ của trạm sơ cứu ban đầu và làm thủ tục chuyển lên tuyến trên nhưng gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện để chuyển đi. Trước tình huống này, bác sĩ của trạm đã đưa ra phác đồ điều trị và sau một thời gian điều trị tích cực, giờ đây anh Văn đã đi lại và sinh hoạt bình thường.
Hay như trường hợp bà Hồ Thị Lương bị ngộ độc rượu, được gia đình đưa đến trạm xá trong tình trạng bất tỉnh. Điều trị tại trạm tới ngày thứ tư bà đã tỉnh lại và giờ thì rất khỏe mạnh. “Bây giờ cứ thấy trong người không khỏe là chúng tôi lại đến trạm xá hỏi bộ đội thôi. Chúng tôi rất biết ơn các anh bộ đội, từ khi có các anh bà con dân bản đỡ bệnh tật hơn nhiều”- bà Lương cho biết.