Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (12/1), chứng kiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán giao dịch mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong một ngày sắc đỏ gần như bao trùm thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ngược dòng tăng điểm ngoạn mục, trong đó ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu là một trong những cái tên gây ấn tượng nhất. Cổ phiếu của nhà băng này đóng cửa phiên 12/1 tăng 2,18% qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới 25.800 đồng/cp.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, cổ phiếu ACB đã tăng hơn 15% thị giá. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng tăng thêm gần 16.000 tỷ, qua đó chạm ngưỡng 100.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD). Đây là mức vốn hóa kỷ lục mà ngân hàng này từng chạm đến kể từ khi cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đóng cửa phiên 12/1, cổ phiếu ACB lập đỉnh lịch sử mới 25.800 đồng/cp |
Theo tìm hiểu, ACB chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng. Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đã lên đến hơn 38.840 tỷ đồng. Con số này đưa ACB trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành, chỉ sau VPBank, MB và 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank).
Năm 2023, ACB kỳ vọng sẽ phá kỷ lục trên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt hơn 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Bước sang năm 2024, ngân hàng ACB được kỳ vọng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2% với bộ đệm dự phòng cao là 82,2%.
Còn nhớ, thời điểm giữa năm 2023, ông Trần Hùng Huy từng gây xôn xao cộng đồng mạng với màn nhảy dưới mưa. Cũng sau thời điểm đó, cổ phiếu ACB lập đỉnh lịch sử với vốn hóa cao kỷ lục. Theo báo cáo quản trị công bố ngày 21/7/2023, Chủ tịch ACB trực tiếp nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,43%). Ước tính, số cổ phần trong tay ông Trần Hùng Huy có giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.
Đến nay, tính đến ngày 12/1, sau 6 tháng kể từ thời điểm trên, cổ phiếu ACB tiếp tục tăng mạnh lên 25.800 đồng/cp, tương đương hơn hơn 16%. Như vậy, với hơn 133 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, thì hiện nay số tiền ông Trần Hùng Huy - vị chủ tịch ACB sở hữu ước lên tới hơn hơn 4.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, sóng cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vậy, cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn các nhà đầu tư?
Nhận định những phiên giao dịch tới, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, lực cầu một lần nữa gia tăng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, giúp cho nhóm ngành duy trì được sắc xanh và tạo lực đỡ cho chỉ số, tránh được một phiên giảm sâu.
Tuy nhiên, áp lực bán chưa có dấu hiệu suy yếu lên các nhóm cổ phiếu còn lại, đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Mặc dù cơ hội tiếp tục đi lên vẫn được để ngỏ với vùng kháng cự kế tiếp đặt tại 1.185 (+-10), các nhịp hồi phục không được đánh giá cao do dòng tiền tích cực đang thiếu đi sự lan tỏa và rủi ro đảo chiều có thể gia tăng trong trường hợp nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh.
NĐT được khuyến nghị chỉ tham gia mua trading tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.140 (+-5) và ngược lại, bán giảm tỷ trọng với các mã đang nắm giữ tại các nhịp tăng chớm vượt đỉnh/chạm kháng cự.
Cẩn trọng hơn, chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tuần tới VN-Index có thể tiếp tục xuất hiện những phiên rung lắc điều chỉnh. Nhóm phân tích này khuyến nghị nhà đầu tư cần bám sát thị trường ở các mốc 1.150 và 1.130 điểm.
Còn đại diện CTCK VietCap thì nhận định đối với nhà đầu tư dài hạn thì một vài cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội mua do triển vọng lợi nhuận khả quan trong 2024 và định giá cổ phiếu thấp. Ngoài ra, cổ phiếu nhóm ngành thép đang có nhiều cơ hội do giá bán tăng, sản lượng tăng và biên lợi nhuận gộp hồi phục.
Tác giả: Tuấn Kiệt
Nguồn tin: nguoiduatin.vn