Sáng ngày 29/3, cô Trần Thị Minh Châu, người bị học sinh phản ánh cả học kỳ không nói câu nào có tiết dạy tại lớp 11A1. Nói về sự việc của mình, cô Châu thừa nhận học sinh phản ánh cô không giảng bài là đúng, nhưng thời gian một học kỳ chưa chính xác.
“Chuyện tôi chép bài bằng lời lên trên bảng là có nhưng nói tôi không giảng bài trong một học kỳ là không đúng. Các anh chị có nghĩ tôi làm được điều này không khi tôi được đánh giá là xuất sắc trong việc dạy và kể chuyện rất hay. Việc không nói câu nào trong 5 tháng là không tưởng. Bản thân tôi cũng không tin mình làm được điều này”- cô Châu giải thích.
Theo cô Châu, cô không giảng bài trong lớp 11A1 có lý do riêng. Cô mong muốn học sinh hãy nói thẳng với cô tại sao lại như vậy. Đến lúc, một học sinh trong lớp đưa vấn đề này lên buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT thì sự việc đã đi quá xa.
|
“Thực sự tôi đã rất trông đợi vào các em. Chỉ cần một em trong số 36 em lên tiếng nhưng chúng tôi đã quá cách xa. Sự xa xách này do chúng tôi tạo ra. Tôi thừa biết học sinh ở lớp này đã được dạy những cái gì. Nếu các lớp khác học sinh phải học 5 tiết thì ở lớp này các em chỉ cần học 4 tiết vì toàn học sinh khá, giỏi và xuất sắc”.
Sau sự việc này, cô Châu cho biết bản thân cô rất tiếc nuối vì đã để lỡ một cơ hội. Còn học trò của mình chỉ là nạn nhân.
“Chiều hôm qua chúng tôi đã có cuộc giải tỏa. Tại đây học sinh nói với tôi rằng “cô ơi bây giờ càng nói thì sự tiếc nuối càng lớn. Cô chỉ có một mình trong khi chúng em có 36 người. Chúng em cũng không hiểu tại sao. Bản thân tôi tiếc nuối nhiều lắm vì đã gây ảnh hưởng tới ngôi trường mà tôi gắn bó và dành phần lớn thời gian ở đây. Điều này giống như tôi đã đạp đổ danh hiệu nhà trường” – cô Châu nói.
Dù vậy, cô Châu nói rằng nếu trong số học trò có những yêu nghề giáo cô sẽ khuyên các em nếu thấy những gì cô làm là tốt thì các em hãy can đảm như cô.
“Bản thân tôi là một người rất cam đảm. Tôi khẳng định mình có trách nhiệm với học sinh. Tôi có nhiều thời gian và vật chất nên tất cả tôi đầu tư cho nhà trường. Là một giáo viên đứng trên bục giảng dù bất cứ lý do gì thì tôi cũng đã sai. Nếu không can đảm tôi đã xin nghỉ không lương từ lúc sự việc bùng lên nhưng tôi không làm được. Tôi mong hãy để sự việc này cho nhà trường giải quyết vì tổn thuơng là có. Bên cạnh học sinh thì phía sau còn có gia đình. Khi sự việc đi quá tôi nghĩ mình không thể đương đầu tiếp”- cô Châu mong muốn.
Sự việc bắt đầu buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh diễn ra tuần trước. Tại đây, học sinh Phạm Song Toàn, lớp 11, Trường THPT Long Thới, Nhà Bè đã bật khóc khi kể về chuyện ở lớp mình.
|
"Hiện nay lớp con đang gặp vấn đề với giáo viên. Con muốn thầy cô có một biện pháp hợp lý trong quan hệ giữa học sinh với giáo viên. Chúng con mong giáo viên lên lớp nói gì với chúng con. Nhưng một giáo viên của con lên lớp chỉ viết bài lên bảng và không nói gì. Học sinh thấy cô im lặng nên cũng sợ và không nói gì. Con không hiểu vì sao cô không nói gì với chúng con"- Toàn nói.
Toàn đã không kìm được nước mắt khi nói tiếp: "Ba của con cũng là một giáo viên nên con hiểu nỗi lòng của nhà giáo. Nhưng con không hiểu sao cô giáo lên lớp chỉ viết bài mà không nói gì hết. Hơn một học kỳ nay, chúng con đã tự học. Chúng con biết cô cũng đã có sự cố gắng, nhưng khi cô không nói gì thì chúng con cũng không dám nói vì sợ".
Toàn cho biết giáo viên chủ nhiệm của lớp đã cố gắng giải quyết nhưng vì những lý do tế nhị nên tình trạng vẫn như vậy.
Được biết cô giáo mà nữ học sinh này phản ánh đang dạy môn Toán tại Trường THPT Long Thới. Trước khi chuyển công tác về trường này cô từng có một thời gian khá dài dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4. Trong quá khứ cô C, đã từng bị học sinh phản ánh có lời lẽ không đúng mực với học sinh cũng như phương pháp sư phạm không đúng đắn.
Vào đầu năm 2012, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn lúc đó đã ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với cô với lý do có ảnh hưởng tới môi trường sư phạm. Sau đó, Sở GD-ĐT đồng ý cho cô chuyển về Trường THPT Long Thới theo nguyện vọng.
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet