Người đương thời

Chuyện về anh hùng Nguyễn Viết Hồng

Anh hùng tuổi 29

70 tuổi, sức khỏe giảm sút, nhưng “chất lính Cụ Hồ” vẫn luôn bừng dậy trong ông. Ông vẫn say sưa với nhiệm vụ của Bí thư chi bộ thôn Nam Phú (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), vận động mọi người tham gia phát triển kinh tế – văn hóa, xây dựng mối đoàn kết lương – giáo. Ông chính là anh hùng Nguyễn Viết Hồng.

Ông Nguyễn Viết Hồng sinh năm 1945, trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa. Năm 1967, học xong lớp 7, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. “Lớp 7 khi nớ còn hiếm hơn các cô, cậu tốt nghiệp đại học bây giờ “ – ông tâm sự.

Sau một thời gian huấn luyện, chàng tân binh tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, rồi qua chiến trường Quảng Trị, Campuchia. Tại chiến trường Lào, Nguyễn Viết Hồng được phân công làm chiến sỹ công binh ở Tiểu đoàn 27, Đoàn 559. Đây là một trung đoàn tinh nhuệ của quân đội ta hồi ấy, từ cán bộ đến chiến sỹ đều là những “cảm tử quân”. Tinh thần và ý chí của toàn đơn vị được tôi luyện bằng “thép”. Công việc phá bom mìn khiến nhiều đồng đội ra đi không trở lại làm cho Nguyễn Viết Hồng hết sức đau đớn. Có hôm, vừa làm lễ truy điệu một đồng đội, thì hôm sau, đồng chí khác lại tiếp tục ra đi.

Chuyện về anh hùng Nguyễn Viết Hồng

Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng luôn tâm niệm phải cố gắng làm những điều có ích.

Ngày ấy, người chiến sỹ công binh chỉ với dụng cụ đơn giản: xẻng gỗ, đòn gánh tre để khiêng bom. Cứ mỗi lần bom rung chuyển mặt đất, Nguyễn Viết Hồng và tổ phá bom lại có mặt ngay tại “điểm nóng”. Là người “mắt tinh, tai thính, chân nhanh, sức bền”, có ngày, ông chỉ ăn 2 thỏi lương khô, mà phá đến 2 chục quả bom. Gần 8 năm bám trụ tuyến đường 25 và 28 ở chiến trường Lào, người chiến sỹ ấy đã trực tiếp đào, dịch chuyển bom; dùng bộc phá, dây cháy chậm phá tới hàng ngàn quả bom và tháo gỡ hàng ngàn quả mìn. Nhờ dũng cảm, sáng tạo và dày dạn kinh nghiệm, ông đã đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và đồng đội. Đặc biệt, ông đã có “phát kiến” bện áo và mũ bằng rơm cho đồng đội mặc lúc phá bom để tránh sát thương, rất tiện lợi và hiệu quả.

Ngày 31/12/1973, với nhiều chiến công lẫy lừng, chiến sỹ công binh Nguyễn Viết Hồng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Lúc ấy, ông mới 29 tuổi, mang quân hàm Trung sỹ. Sau đó, ông chuyển về mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị).

Còn “lửa”, còn cống hiến

Sau bao năm lăn lộn trên chiến trường, năm 1996, Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng trở về quê, vui sống cùng gia đình và bà con xứ đạo Vạn Hạnh (thôn Nam Phú). Ông tâm niệm: “Mình còn nguyên vẹn, được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước là đã may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người. Biết bao đồng đội thiệt thòi, mình phải cố gắng làm những điều có ích trong quãng đời còn lại”.

Ông thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con cái “phải biết lao động, tiết kiệm và yêu thương mọi người”. Tính nghiêm túc của người cha chính là nền tảng luân lý và “phép cương thường” trong gia đình. Bốn người con của ông đều đã trưởng thành, riêng con gái út hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhiều giáo dân xứ đạo Vạn Hạnh nói: “Ông Hồng về hưu nhưng chẳng khi mô thấy ông nghỉ”. Quả thực, ông luôn được thôn, xã tín nhiệm, bầu giữ nhiều chức vụ. Buổi đầu về quê, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Ủy viên BCH Đảng ủy xã, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn và hiện là Bí thư chi bộ thôn Nam Phú.

Là thôn giáo toàn tòng, người dân Nam Phú rất nhạy bén trong làm ăn. Bây giờ, cả thôn với 212 hộ, chỉ còn 10 hộ nghèo, không có hộ đói” – ông Hồng cho biết. Với phong cách “miệng nói, tay làm”, Bí thư chi bộ Nguyễn Viết Hồng vận động, thuyết phục người dân cùng chung tay xây dựng thôn Nam Phú ngày càng đổi mới. Từ chuyện làm 400m mương thoát bẩn đến 2,5 km đường giao thông nông thôn, 1 km kênh mương nội đồng, xây dựng hội quán… ông Hồng đều dành nhiều thời gian vận động tại chi bộ, cuộc họp xóm, đến từng nhà, phân tích sâu lợi ích lâu dài để mọi người hiểu, đồng thuận với phương thức “Nhà nước và dân cùng làm”. Thậm chí, khi xóm làm mương thoát thải, dự án chưa rót vốn về, ông đã thuyết phục vợ bán lứa lợn của gia đình để mua vật liệu thi công.

Nói về ông, người dân thôn Nam Phú đều trầm trồ: “Ông Hồng không chỉ anh hùng trong chống Mỹ mà bây giờ như người anh cả của làng. Mọi chuyện to, nhỏ trong thôn, ông đều đứng ra gánh vác…”. Chả thế mà, thôn Nam Phú bây giờ không có thanh, thiếu niên hư; không có người nghiện ma túy; ai cũng lo làm ăn và luôn răn mình phải sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Tháng 12/2014

Phan Thế Cải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP