Mùa xuân ấm áp trong sự sung túc, đủ đầy và hình ảnh những cây đào đã trở thành một trong những biểu tượng không thể thiếu của mùa xuân…
Sắc xuân, khí xuân và hồn xuân… tất cả dường như đang hiện hữu dần trong sợi tơ kết nối của những làng đào. Và những người trồng đào bằng niềm đam mê cũng được coi là một trong những tác nhân gìn giữ phong vị tết Việt.
“Mỗi năm hoa đào nở…”
Những ngày cuối chạp, trong tiết trời se lạnh và ánh nắng chan hòa, những nụ đào khe khẽ cựa mình. Cảm như hơi thở mùa xuân và không khí tết đang len lỏi trong từng sắc màu mà thiên nhiên ban tặng: sắc xanh mượt của lá, sắc hồng đậm của đào thắm, sắc hồng phớt của đào phai, đào rừng…. Những cánh hoa đào mỏng manh như thỏa sức làm duyên, vui đùa cùng làn gió xuân, e ấp trong chút nắng nhẹ nhàng cuối đông. Tất cả càng khiến cho vườn đào thêm phần rực rỡ.
Để mang xuân đến cho mọi nhà, người làng đào không hề ngủ vào những ngày cuối năm. Thú chơi đào đã hòa vào niềm vui dân dã của tầng lớp bình dân. Tất bật, nhộn nhịp là không khí bao trùm của cả làng. Chính hoa đào đã làm nên một nét văn hóa trong những ngày cuối tháng chạp. Chị Nguyễn Thị Đường (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nào, tôi cũng vào tận vườn để tìm cho mình một cành đào ưng ý nhất. Với tôi, cây đào đẹp là một chuyện, cái quan trọng, tôi còn chọn người trồng đào. Chủ hưng thịnh, gia đình suôn sẻ, thuận lợi thì tâm lý người mua cũng thêm phần an lành, hạnh phúc”. Có thể, đó cũng là một trong những lý do để chị thích và muốn sở hữu một cây đào phai trong nhà mỗi khi tết đến, xuân về.
Những ngày cuối năm, người làng đào có mặt khắp nơi, từ chợ hoa chốn thị thành cho đến một góc chợ quê bình dị nào đó… Và trong sự háo hức của du khách có xen lẫn niềm vui, sự phấn khởi của những nông dân được coi là nghệ nhân trồng đào. Sản phẩm công sức suốt 1 năm, thậm chí 2, 3 năm nhọc lòng của họ đang được đền bù xứng đáng. Anh Nguyễn Đình Thỏa – một người dân tại làng đào xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cho biết: “Người ta quan niệm một cành đào đẹp là có cả nụ, cả hoa và lộc. Cây đào hôm nay trên đất Hà Tĩnh, dù là đào được lai giống từ Nhật Tân hay cây đào nguyên gốc Hà Tĩnh như đào phai… đã không còn là một sản phẩm thuần túy vật chất mà nó còn chuyển tải trong đó những giá trị tinh thần, một ý nghĩa văn hóa, tâm linh trong từng quan niệm của mỗi người”.
Có lẽ cũng vì vậy mà người trồng hoa đầu tư công sức và trí tuệ để uốn cành, tỉa lá, tạo dáng, tạo gốc, còn người mua đào lại cẩn thận chọn lựa cho riêng mình những cành đào ưng ý, đẹp mắt nhất.
Anh Lê Ngọc Hùng – một trong những hộ có thâm niên trồng đào tại xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) cho biết: “Tôi bắt đầu mê đào từ việc trồng một vài gốc để chơi vào dịp tết, sau đó tìm hiểu để trồng nhiều dần lên. Đến nay, vườn đào của tôi đã có gần 900 gốc”. Ngoài lợi thế về cây đào phai truyền thống, đây cũng là năm thứ hai anh Hùng làm quen với cây đào Nhật Tân. Khó khăn, thất bại đều đã kinh qua nhưng anh không nản lòng, vẫn đau đáu một ngày đưa cả hai loại đào này trụ vững trên đất Hà Tĩnh.
Anh Hà Huy Khôi – cán bộ Trung tâm ứng dụng KHCN huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đó cũng là kết quả của đề án thử nghiệm nhân rộng cây đào phai và đưa cây đào Nhật Tân về với đất Cẩm Hưng và Cẩm Thịnh. Đây là năm thứ hai mô hình này phát huy hiệu quả. Điều này cũng góp phần tạo cho Cẩm Xuyên nổi tiếng với thương hiệu đào Hưng – Thịnh. Đã có hàng trăm hộ trồng đào, có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi hộ/năm”.
|
Làng đào Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) |
Nếu như trước đây, người ta chỉ cắt cành bán lẻ thì nhiều năm nay, người trồng đào ở đây đã rất năng động, nhạy bén với các dịch vụ liên quan đến đào. Họ có đào đẹp về thế, về cây, hoa nở từ 19, 20 tháng chạp bán cho công sở, có đào cành, đào cây nở muộn cho gia đình, có cả dịch vụ cho thuê nguyên cả cây đào qua tết… Cũng vì thế mà gần tết, những con đường này luôn nườm nượp người xe ngắm đào, mua đào…
Đào phai đã và đang dần trở thành một loại cây có giá trị kinh tế cao nên người trồng cũng ngày càng mạnh dạn đầu tư. Không chỉ ở Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh mà trên nhiều vùng khác của huyện Thạch Hà, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh… nhiều nông dân cũng đang duy trì và bắt đầu nghề trồng đào ở những quy mô khác nhau. Ngoài việc chọn giống cầu kỳ thì kỹ thuật chăm sóc cũng rất cẩn thận, tỉ mỉ sao cho cành đào ra hoa đúng dịp tết, trên cành có đào nụ và hoa phớt hồng mới mang đến sự may mắn, vui tươi và hạnh phúc trong ngày đầu xuân.
Ra tận khu trồng đào của các hộ mới thấy được sự cẩn trọng trong quá trình chăm sóc đào cũng như tâm huyết của họ đối với nghề. Tùy vào từng dáng cành, dáng cây mà tạo; dáng cây càng phức tạp thì thời gian càng dài, có thể một, hai, thậm chí có gốc phải mất đến dăm năm. Từ việc trồng, bấm đọt, khứa da, tạo dáng, rồi tỉa lá… tất cả đều phải tuân theo từng thời điểm nhất định. Những nỗi lo, sự canh cánh thời tiết “nắng nhiều hoa chóng nở, rét quá lại khó ra hoa” luôn thường trực, chỉ cần qua một đêm, chỉ cần một trận gió to, một cơn mưa lớn hay một đợt sương muối thôi cũng đủ khiến người trồng đào phải bạc tóc với nỗi lo mất mùa.
Du khách đến với làng đào ngày xuân không chỉ vì vẻ đẹp của hoa mà còn vì thương hiệu một làng hoa. Người ta yêu hoa bởi những tinh túy mà cây đào mang lại cho đời sống tinh thần. Nó như hiện thân của những gì thiêng liêng được hồi sinh, nẩy lộc, đơm chồi dưới bàn tay con người. Thấp thoáng sau những xóm thôn trù phú là những khu vườn nhà rực rỡ hoa đào với chồi non, lộc biếc, khoe sắc dưới ánh nắng xuân. Bất giác, câu chuyện vua Quang Trung tặng công chúa Ngọc Hân cành hoa đào ngày tết lại trở về trong tôi rất đỗi thiêng liêng…