Tin trong nước

Chồng đề nghị quy hoạch vợ làm cục phó: Quy trình nào?

“Tôi không rõ quy trình của các anh ở trong Bà Rịa – Vũng Tàu như thế nào. Bây giờ cứ nói đúng quy trình chung chung như vậy thật là khó”.

Bổ nhiệm theo quy trình nào?

Sau vụ việc “cả họ làm quan” ở UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), tại xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An)…, mới đây dư luận lại xôn xao trước việc ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà.

Cụ thể, tại Cục Thuế tỉnh, ông Long làm cục trưởng, vợ ông làm trưởng phòng thanh tra và đang được đề nghị quy hoạch làm cục phó, em vợ ông là kiểm tra thuế viên…

Ngoài ra còn có một số người thân của ông Long được bổ nhiệm các vị trí khác nhau ở Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế TP Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.

Chong de nghi quy hoach vo lam cuc pho: Quy trinh nao?
Cục thuế tỉnh BR-VT. Ảnh: TTO

Trả lời báo chí, ông Long khẳng định việc bổ nhiệm đều đúng quy trình và được anh em tập thể tín nhiệm.

Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt,  ông Nguyễn Bá Sơn – ĐBQH Đà Nẵng cho rằng cần phải làm rõ Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bổ nhiệm cán bộ theo quy trình nào, cụ thể ra sao chứ không thể giải thích một cách chung chung.

“Ở Đà Nẵng tất cả những câu chuyện liên quan đến việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ đều rất rõ ràng.

Người được bổ nhiệm trước hết phải là cán bộ thuộc diện quy hoạch và hàng năm được đánh giá, nhận xét theo một bộ quy chuẩn do thành phố đưa ra và được đánh giá trên cơ sở 1 hệ thống đánh giá chung của toàn thành phố.

Và cán bộ đó phải trải qua ít nhất vài ba năm theo dõi quá trình và kết quả đó phải được tập thể thừa nhận.

Giai đoạn thứ hai là sau khi lãnh đạo của cơ quan đó cho ý kiến rồi thì phải chuyển hồ sơ cán bộ lên UBND và Sở Nội vụ xem xét đánh giá. Ngoài ra hồ sơ này cũng được trình ra cho ban cán sự của UBND và tập thể UBND thành phố xem xét, cho ý kiến.

Tôi không rõ quy trình của các anh ở trong Bà Rịa – Vũng Tàu như thế nào. Bây giờ cứ nói đúng quy trình chung chung như vậy thật là khó. Ở Đà Nẵng chúng tôi không có câu chuyện làm theo cách đó”, ông Sơn nêu quan điểm.

Theo ông Sơn,  để đánh giá một cán bộ trước hết cần phải nhìn nhận con người đó với tư cách độc lập, không liên quan đến một mối quan hệ bà con, anh em gì hết.

“Ở đây phải đánh giá độc lập ở vị trí công tác và năng lực chuyên môn ở vị trí hướng tới của anh có đảm đương được không, xét cả về mặt chuyên môn cả về mặt uy tín.

Còn nếu thật sự có một cán bộ là con em của một vị lãnh đạo nào đó mà thật sự tài giỏi, có năng lực chuyên môn và phục vụ tốt cho xã hội, cho nhân dân là điều rất đáng quý. Vì thế chúng ta nên có một cái nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoan gán ghép”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cần công khai, minh bạch thông tin

Đồng quan điểm, một vị nguyên là lãnh đạo ban Tổ chức Trung ương khẳng định người dân đặt câu hỏi như vậy là đúng nhưng phải khách quan, công tâm.

Ông chia sẻ, trong xã hội Việt Nam không hiếm trường hợp vợ chồng có trình độ chuyên môn, có năng lực thực sự cùng đảm nhiệm các vị trí cao tại 1 cơ quan.

“Có những người học cùng 1 trường, một thành phố, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài rồi quen biết, yêu nhau rồi lập gia đình. Họ chắc chắn có chuyên môn, năng lực thật sự, có đức, có tài. Nếu chúng ta cứ vì những lùm xùm, nghi vấn mà chần chừ không bổ nhiệm cán bộ, hoặc sử dụng không đúng vị trí thì sẽ rất lãng phí, dẫn tới chảy máu chất xám. Việc chúng ta nghi ngờ là đúng nhưng phải thật sự công tâm và khách quan”, ông nói.

Bên cạnh đó, nguyên lãnh đạo ban Tổ chức Trung ương cũng thừa nhận hiện nay có một bộ phận cán bộ vì muốn củng cố vị trí của bản thân mà tìm mọi cách để đưa người thân trong gia đình lên làm quan, che chắn, bảo vệ cho mình.

“Trường hợp này không phải hiếm. Pháp luật đã chỉ ra hàng loạt các vụ việc sai phạm rồi. Bây giờ muốn phòng tránh, tôi cho rằng chỉ có cách công khai, minh bạch thông tin, công khai việc bổ nhiệm để cán bộ, người dân cũng như cơ quan thanh tra, kiểm tra dễ dàng theo dõi.

Ngoài ra, báo chí có thể phỏng vấn những người trong cuộc, cơ quan thu thuế, tổ chức công đoàn rồi những người đồng nghiệp ở đó xem có đồng tình với việc bổ nhiệm hay không? Nếu câu trả lời là không tức là có vấn đề”, ông nói.

Bàn thêm về giải pháp, ông Nguyễn Bá Sơn – ĐBQH Đà Nẵng khẳng định pháp luật có quy định, nhà nước và Đảng cũng có quy định về việc minh bạch, công khai trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Ở Đà Nẵng, chúng tôi muốn bổ nhiệm một người nào đó thì không chỉ có việc thông qua nhanh chóng mà phải có một thời gian. Nó gần như là một niêm yết công khai trong nội bộ ngành, sở trong thời gian tối thiểu là 30 ngày để mọi người cùng cho ý kiến.

Rõ ràng quy định công khai, minh bạch là có, quan trọng là phương thức chúng ta làm như thế nào, đã đảm bảo chưa, có dẫn đến nguy ngại của dư luận hay không? Đó là điều phải suy tính”, ông Sơn nhấn mạnh.

Lấy ý kiến tín nhiệm cán bộ bổ nhiệm

Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, LS Phạm Công Út – Đoàn LS TP.HCM cho rằng nếu chiếu theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức thì không cấm đoán thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm người thân của mình.

Đặc biệt các khoản 3,4 điều 37 Luật phòng chống tham nhũng cũng quy định rõ: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

“Việc vợ của cục trưởng cục thuế làm trưởng phòng thanh tra (và đang được chồng đề nghị quy hoạch làm cục phó) thì theo quy định trên không sai phạm, không bị rơi vào điều lệ cấm, theo khoản 3 điều 37. Trường hợp bổ nhiệm người nhà vào các vị trí khác cũng vậy. Ở đây theo quy định thì không sai nhưng người dân thì có những thắc mắc, nghi vấn trước việc thâu tóm quyền hành theo hình thức “gia đình trị”. Tức là chồng làm lãnh đạo, vợ làm lãnh đạo, thậm chí con làm lãnh đạo”, LS Út nhấn mạnh.

Trước những nghi ngại trên, LS Út cho rằng với các trường hợp bổ nhiệm cán bộ cần lấy ý kiến tín nhiệm, ý kiến của Đảng viên, quần chúng, các cán bộ công chức của cơ quan đó xem việc bổ nhiệm đã đúng quy trình chưa. Nếu có vấn đề còn nghi ngại thì sẽ có cơ sở để kiểm tra, xem xét lại.

Hoàng Nam

  Từ khóa: Cục phó , quy trình , Quy hoạch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP