Trong suốt thời gian dài, Báo Người cao tuổi nhận được nhiều đơn thư của người dân xã Thạch Liên tố cáo ông Nguyễn Sỹ Dần, Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà kiêm Trưởng ban Đền bù giải tỏa huyện có hành vi cấu kết có tổ chức với một số cán bộ xã, huyện lập hồ sơ khống cho một hộ dân chiếm đoạt tiền tỉ ngân sách nhà nước để cùng nhau chia chác, tư túi, trục lợi. Dự án mở rộng Quốc lộ 1A giai đoạn 1 đoạn đi qua xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3/1997, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Thạch Hà cố tình làm trái pháp luật. Gần 200 hộ dân đã phải chịu thiệt thòi quá lớn về vật chất. Ở loạt bài trước đây, Báo Người cao tuổi đã phản ảnh rõ từng chi tiết.
Trong bài viết này, báo chỉ nêu lên những tiêu cực trong quá trình thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1A giai đoạn 2 vào năm 2013 với 124 hộ dân bị mất đất, mất nhà nhưng Ban Bồi thường GPMB huyện vẫn cố tình “ăn quịt” tiền đền bù, trả lời quanh co, bao biện, bất chấp luật pháp. Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở UBND huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Anh Tùng, Phó trưởng Phòng Tài chính huyện Thạch Hà (Thường trực Ban Bồi thường GPMB huyện) cho biết: “Tôi không hiểu vì sao mà ở xã Thạch Liên gần 200 hộ dân bị giải tỏa nhà đất đợt 1 năm 1997 chỉ có duy nhất mỗi hộ ông Trần Văn Đề được nhận tiền bồi thường thỏa đáng. Giải tỏa lần 2 năm 2013 với 124 hộ dân bị mất nhà, đất mà cũng chỉ có duy nhất hộ ông Trần Văn Đề được bồi thường tiền tỉ?”.
Căn cứ nội dung đơn tố cáo của người dân, chúng tôi đến xã Thạch Liên và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu vụ việc, biết rõ nguồn gốc vụ tiêu cực này. Ông Trần Văn Đề nhập ngũ ngày 9/4/1981, xuất ngũ năm 1985 về quê tự bao chiếm 1.000m2 đất công thổ do xã Thạch Liên quản lí nằm vị trí mặt tiền Quốc lộ 1A cất nhà ở. Đến nay ông Đề không hề có bất cứ một loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp. Vậy mà Chủ tịch UBND xã Thạch Liên, ông Nguyễn Sỹ Dần, cấu kết với nhiều cán bộ xã kí giấy tờ hợp thức hóa hồ sơ đề nghị Ban Bồi thường GPMB huyện đền bù hàng tỉ đồng giải tỏa đợt 1 năm 1997. Giải tỏa đợt 2 năm 2013, ông Đề cũng được bồi thường một tỉ đồng. Sự bất công này đã bị người dân địa phương phát giác gửi đơn tố cáo lên huyện, lên tỉnh rồi đến Trung ương, nhưng chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn vô cảm, phớt lờ.
Hành vi gian dối của ông Dần thể hiện, tập hợp 14 người trong xã cùng kí tên xác nhận khống rồi làm tờ trình lên huyện với lí do: “Nhà, đất của ông Trần Văn Đề được UBND xã cấp đất ở trước năm 1980” trong khi năm ấy ông Đề đang là học sinh phổ thông? Vậy mà ông Nguyễn Quốc Hương vẫn cố tình kí duyệt hồ sơ khống để cùng nhau móc túi ngân sách trục lợi cá nhân. Sau khi có đơn tố cáo, ông Hương hứa sẽ “rút kinh nghiệm” và yêu cầu xã thu hồi. Đến nay đã gần hai năm nhưng số tiền hàng tỉ đồng bị ông Đề chiếm đoạt vẫn không thu hồi được?
Năm 1989, UBND xã Thạch Liên bán đấu giá công khai căn nhà xây kiên cố ba gian lợp ngói, nguyên là cửa hàng mua bán của UBND xã Thạch Liên xây dựng từ năm 1985. Ông Nguyễn Chính Bảo mua căn nhà này gắn liền 567m2 đất thổ cư. Đến năm 1994 Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) suốt 25 năm sinh sống ổn định trên khu đất này không có tranh chấp. Cả hai đợt giải tỏa thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, gia đình ông Bảo bị thu hồi mất 200m2 đất thổ cư nằm ở vị trí mặt tiền đều không được bồi thường. Ông Bảo gửi đơn khiếu nại thì Chủ tịch UBND xã Thạch Liên, ông Nguyễn Sỹ Dần và Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Hương trả lời vòng vo cho rằng nhà ông Bảo nằm trong mốc lộ giới.
Trong khi căn nhà xây kiên cố 130m2 nguyên là cửa hàng mua bán của xã, UBND xã đem bán đấu giá công khai và cấp chủ quyền kể từ thời điểm chưa quy hoạch lộ giới. Hộ ông Bùi Văn Xanh mua 350m2 đất của UBND xã Thạch Liên năm 1985, được Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cấp sổ đỏ vào năm 1992 sử dụng “ổn định lâu dài”. Khi bị thu hồi 130m2 đất thổ cư nằm ở vị trí mặt tiền cũng bị Ban Bồi thường GPMB huyện “trấn lột” tiền bồi thường, cán bộ đương chức và Thanh tra huyện lại đổ lỗi cho cán bộ tiền nhiệm, gia đình ông Xanh bị trắng tay. Trường hợp hộ ông Trần Văn Minh bộ đội chuyển ngành về làm việc tại Chi cục Thuế huyện Thạch Hà cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 1978, ông nội ông Minh là cụ Trần Hồng cho ông Minh (cháu nội đích tôn) 100m2 đất thổ cư xây nhà ở, hàng nghìn người dân trong xã biết và hàng chục cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu tại xã kí giấy xác nhận sự thật. Vậy mà khi giải tỏa, gia đình ông Minh bị thu hồi mất 93m2 đất thổ cư Ban Bồi thường GPMB huyện “ăn quịt” luôn tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất. Gia đình ông Minh bị “trấn lột” trắng tay giống như hai trường hợp nhà ông Bảo và ông Xanh.
Trao đổi với chúng tôi về những tiêu cực này tại trụ sở UBND huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện một mực tìm cách giải thích, trả lời lấp liếm bao che cho mọi hành vi sai trái chính quyền. Khi chúng tôi phân tích Điều 50 Luật Đất đai 2003 và nội dung các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về đền bù khi nhà đất của dân bị giải tỏa để thực hiện các dự án đầu tư phát triển thì ông Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Hương cứ ngơ ngác.
Ông ta chẳng hiểu biết gì về Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật. Trong trường hợp này có lẽ do trình độ nhận thức quá yếu kém, dẫn đến chuyện ông Hương tỏ ra vô cảm, phớt lờ trước nỗi đau kêu cứu của nhiều người dân? Khi chúng tôi giấu kín văn bản và nêu nội dung điểm 3 trong Quyết định số 217/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kí ngày 17/1/2013 ban hành “Bộ đơn giá bồi thường các loại nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu và nuôi trồng thủy sản”, quy định “Đối với các loại nhà thuộc sở hữu của Nhà nước, tập thể, giao hoặc bán cho các cá nhân sử dụng khi thực hiện bồi thường như sau: “Trường hợp chủ sử dụng nhà mua lại bồi thường theo giá trị mua bán theo hợp đồng hoặc các chứng từ hợp lệ khác tại thời điểm mua”, lập tức ông Nguyễn Anh Tùng, Phó Phòng Tài chính huyện phản đối: “Quy định như vậy là sai bét, gây nhiều rắc rối, chúng tôi không thể thực hiện được”. Khi chúng tôi lên tiếng, đó là quy định của tỉnh được thể hiện bằng văn bản thì ông Tùng chối: “Thế thì để tôi xem lại!”. Rõ ràng ở huyện này, người ta nói một đường, làm một nẻo, trên nói, dưới không nghe, cấp trên chỉ thì cấp dưới bác bỏ, hoặc họ không cần đọc.
Trước tình trạng người dân gửi đơn khiếu nại và tố cáo, ông Nguyễn Quốc Hương đem đơn tố cáo của người dân đọc cho những cán bộ bị tố cáo nghe, ngay trong đêm hôm đó gia đình ông Minh đã bị những tên côn đồ trút một trận “mưa đá” vào nhà. Hành vi này của ông Hương là vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại tố cáo. Ngày 13/3/2014, ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà kí “Thông báo số 35/TB-UBND về việc không thụ lí giải quyết tố cáo” gửi các hộ dân tố cáo có nội dung: “Sau khi xem xét thấy rằng nội dung đơn tố cáo không đủ điều kiện để thụ lí giải quyết”. Trong đơn người dân tố cáo hành vi của ông Nguyễn Sỹ Dần cấu kết với 14 cán bộ, nguyên cán bộ trong xã Thạch Liên lập hồ sơ khống, kí xác nhận khống để xã đưa cho ông Nguyễn Quốc Hương, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện hợp thức hóa hồ sơ tạo điều kiện cho một hộ dân chiếm đoạt hàng tỉ đồng ngân sách để cùng nhau chia chác. Đây là hành vi cố ý bảo kê cho những kẻ phạm tội hình sự về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trường Sơn – Đức Hoàng – Hồng Lĩnh